Thanh Hóa: Nguyên nhân dẫn đến hàng chục hecta lúa vụ xuân 2025 không kết hạt
Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng lúa trổ bông không thoát, thoái hóa đầu bông, tỷ lệ lép cao, không kết hạt xuất phát từ cả yếu tố khách quan và chủ quan, trong đó, nguyên nhân quan trọng là cấy sai thời vụ và thời tiết rét hại đúng thời điểm lúa trổ.
Một nguyên nhân khác do giống lúa này chưa được đánh giá đầy đủ về mức độ thích nghi với điều kiện khí hậu tại Thanh Hóa.
Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa), vụ xuân năm 2025, toàn tỉnh đã gieo cấy 113.434,31 ha lúa, vượt kế hoạch đề ra (112.000 ha). Tuy nhiên, đến ngày 18/5/2025, đã có 41,11 ha lúa bị hiện tượng trổ bông nhưng không kết hạt.
Hiện tượng này chủ yếu xảy ra tại các xã Thuận Minh và Thọ Lập (huyện Thọ Xuân) với 31,11 ha, thuộc các giống lúa Ku 57, An Nông 1424. Tại thị xã Nghi Sơn, có 10 ha bị ảnh hưởng, tập trung tại phường Mai Lâm, sử dụng các giống WN 305 và HYT 100.
Mặc dù diện tích bị ảnh hưởng không lớn, nhưng mức độ thiệt hại lại rất nghiêm trọng, với tỷ lệ hạt lép và không kết hạt lên tới hơn 70%.
Qua kiểm tra thực tế đồng ruộng, hồ sơ giống và diễn biến khí tượng thủy văn, ngành nông nghiệp xác định nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là sự kết hợp giữa việc gieo cấy sai thời vụ và ảnh hưởng của thời tiết rét hại.
Cụ thể, tại các khu vực bị ảnh hưởng, nông dân đã gieo mạ sớm hơn khuyến cáo từ 15 - 30 ngày. Tại thị xã Nghi Sơn, mạ được gieo từ ngày 4/12/2024; còn tại huyện Thọ Xuân, từ giữa đến cuối tháng 12/2024. Việc này khiến thời điểm phân hóa mầm hoa và trổ bông rơi vào đợt rét đậm, rét hại cuối tháng 3, đầu tháng 4/2025, khi nhiệt độ xuống 15 – 16o C, độ ẩm cao, ánh nắng yếu. Điều kiện bất lợi này dẫn đến thoái hóa hoa đực, không tung phấn, không thụ phấn được, dẫn tới lúa không đậu hạt.
Ngoài ra, các giống lúa sử dụng trong vùng bị ảnh hưởng tuy đã được công nhận lưu hành, nhưng chưa được đánh giá đầy đủ về mức độ thích nghi với điều kiện khí hậu tại Thanh Hóa.
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cũng chỉ ra một số nguyên nhân chủ quan từ cơ sở và người dân như: chưa kiểm soát chặt chẽ hoạt động kinh doanh giống; một số giống không nằm trong cơ cấu khuyến cáo vẫn được đưa vào sản xuất; công tác tuyên truyền về thời vụ và lựa chọn giống chưa hiệu quả; người dân còn chọn giống theo quảng cáo không chính thống. Bên cạnh đó, sự chỉ đạo sản xuất tại cấp huyện, xã còn thiếu quyết liệt, khiến nông dân gieo cấy vượt khung thời vụ an toàn.
Trước tình hình trên, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các địa phương phối hợp với doanh nghiệp giống để xác minh thiệt hại và hỗ trợ một phần chi phí sản xuất cho nông dân. Đồng thời, khẩn trương thu hoạch diện tích có thể tận thu, xử lý đồng ruộng chuẩn bị cho vụ tiếp theo.
Sở Nông nghiệp và Môi trường cũng yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát các diện tích còn lại nhằm phát hiện sớm và ứng phó kịp thời nếu hiện tượng tương tự tiếp tục xảy ra.
Ngoài ra, các địa phương được yêu cầu siết chặt quản lý hoạt động cung ứng giống, đặc biệt tại cấp xã, huyện; công khai danh sách các doanh nghiệp, đại lý giống uy tín có cam kết bảo lãnh năng suất; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền về tầm quan trọng của việc tuân thủ lịch thời vụ trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp.