Thay vì hình ảnh người nông dân luôn cặm cụi ngoài vườn, chúng tôi gặp hội viên nông dân Dương Văn Khả ở xã Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn đang ung dung ngồi trong nhà tay “ấn nút” điều khiển, vậy là cả khu vườn 700m2 đã được tưới nước đầy đủ.
Với chiếc điều khiển nhỏ, công việc làm nông của ông Dương Văn Khả đã "nhàn nhã" hơn rất nhiều.
Từ người lính về hưu đến "nông dân công nghệ cao"
Ông Dương Văn Khả, sinh năm 1964, từng là một người lính cống hiến tuổi trẻ cho quân đội. Năm 2010, sau khi xuất ngũ, ông trở về với cuộc sống đời thường, mang theo trong mình phẩm chất kiên trì, không ngại khó của người lính Cụ Hồ.
Với trăn trở làm kinh tế, hội viên nông dân Dương Văn Khả đã quyết tâm đầu tư vào nông nghiệp, nhưng theo một cách hoàn toàn mới mẻ và đột phá.
Thay vì đi theo lối mòn truyền thống, ông Khả đã sớm nhận ra tiềm năng của việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất là xu hướng tất yếu.
Ông bắt đầu với việc đầu tư vào các loại máy móc cơ bản như máy cày, máy bơm để giải phóng sức lao động.
Tuy nhiên, khát vọng của người cựu chiến binh không dừng lại ở đó. Ông nhận thấy, để tạo ra sự khác biệt và nâng cao giá trị nông sản, cần phải có một hướng đi táo bạo hơn. Và rồi, ý tưởng về một vườn rau sạch hữu cơ, được vận hành bằng công nghệ tự động đã lên ý tưởng.
Ông Khải cho hay, ông thấy bà con mình làm nông vất vả quá, luôn phải bán mặt cho đất, bán lưng cho trời mà hiệu quả kinh tế lại không cao. Vì vậy khi làm nông nghiệp ông đã nghĩ, phải áp dụng máy móc, công nghệ.
Nghĩ là làm, năm 2021, ông Khả đã đưa ra quyết định táo bạo, dồn vốn đầu tư 100 triệu đồng để xây dựng một khung sắt kiên cố, lắp đặt nhà màng và quan trọng nhất là một hệ thống tưới tiêu hoàn toàn tự động cho khu vườn rộng 700m² của mình.
Khi chúng tôi đến thăm, ông Khả đã trình diễn cho chúng tôi xem thành quả của sự đầu tư đó. Ngồi ngay tại phòng khách, ông cầm chiếc điều khiển nhỏ, bấm một nút thì ngay lập tức, từ bên ngoài khu vườn được bao bọc bởi nhà màng kiên cố, hệ thống vòi phun nước bắt đầu hoạt động, phun ra những tia nước đều đặn, phủ khắp các luống rau xanh non mơn mởn. Toàn bộ quá trình tưới cho 700m² vườn chỉ diễn ra trong vòng 5 phút.
Ông Khả chia sẻ thêm: "Hệ thống này không chỉ giúp tôi tiết kiệm thời gian, công sức mà còn đảm bảo lượng nước tưới vừa đủ, đồng đều cho cây, tránh lãng phí nước".
Hệ thống nhà màng không chỉ có tác dụng che mưa, che nắng mà còn là một lớp "áo giáp" vững chắc, giúp ngăn chặn sự xâm nhập của côn trùng và sâu bệnh từ bên ngoài. Nhờ đó, vườn rau hữu cơ của ông Khả hoàn toàn không cần sử dụng đến thuốc trừ sâu hay các loại hóa chất độc hại, đảm bảo sản phẩm làm ra là rau sạch, an toàn tuyệt đối cho người tiêu dùng.
"Trái ngọt" từ tư duy đột phá
Sự đầu tư bài bản và tư duy nhạy bén đã mang lại cho ông Khả những "trái ngọt" xứng đáng. Vườn rau hữu cơ công nghệ cao không chỉ cung cấp nguồn thực phẩm sạch, an toàn cho chính gia đình ông mà còn trở thành địa chỉ tin cậy cho người tiêu dùng tại xã Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn.
Mùa nào thức nấy, những mớ rau cải, rau muống, xà lách, bí, bắp cải, su hào, hành, tỏi... xanh mướt, tươi ngon từ vườn nhà ông Khả luôn được thị trường đón nhận, mang lại cho ông một nguồn thu nhập đều đặn và ổn định.
Nhưng không chỉ dừng lại ở rau màu, ông Khả còn đa dạng hóa cây trồng để tối ưu hóa hiệu quả kinh tế. Ông đầu tư trồng thêm những loại cây có giá trị cao như đào thất thốn, hồi, và cây mộc. Sự kết hợp khéo léo này đã giúp ông tối đa hóa lợi nhuận trên cùng một diện tích đất.
Từ việc mạnh dạn đầu tư, áp dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp đến nay mỗi năm, mô hình kinh tế vườn của người cựu chiến binh Dương Văn Khả mang lại tổng thu nhập lên đến 200 triệu đồng.
Chia sẻ về những tiện ích mà công nghệ mang lại, ông Khả không giấu được niềm tự hào: "Khoa học công nghệ đã thay đổi hoàn toàn cách làm nông của tôi. Nó giúp tôi giảm được ít nhất 80% công lao động so với trước đây. Thời gian rảnh rỗi, tôi có thể nghiên cứu thêm sách báo, học hỏi thêm kinh nghiệm để phát triển vườn tược tốt hơn, hoặc đơn giản là có thời gian quây quần bên con cháu".
Câu chuyện của ông Khả cũng đã truyền cảm hứng cho rất nhiều hội viên nông dân khác trên địa bàn xã Bình Gia nói riêng và tỉnh Lạng Sơn nói chung. Mô hình của ông Khả còn cho thấy rằng, nông nghiệp không phải cứ "chân lấm tay bùn" mà hoàn toàn có thể trở thành một ngành kinh tế hiện đại, hiệu quả và bền vững nếu biết áp dụng đúng đắn sức mạnh của khoa học kỹ thuật.