image banner
Tăng cường tuyên truyền, vận động, hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh
Lượt xem: 746
(Cổng ĐT HND)- Thời gian qua, các cấp Hội trong cả nước đã và đang tích cực ứng dụng công nghệ số vào trong các hoạt động của Hội. Đặc biệt, các cấp Hội đã tích cực phối hợp với ngành Nông nghiệp, Khoa học và công nghệ, tranh thủ sự hỗ trợ từ các dự án quốc tế tổ chức nhiều hoạt động nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, nông dân về chuyển đổi số (CĐS), truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp. 
Anh-tin-bai

Hội tăng cường giới thiệu nông sản địa phương trên không gian mạng.

 

Đồng thời, các cấp Hội cũng đã tăng cường hoạt động phối hợp với ngành chức năng liên quan tổ chức các hoạt động hỗ trợ hội viên, nông dân nâng cao trình độ, năng lực tiếp cận và đưa công nghệ số vào hoạt động quản lý, sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản.


Tại Tuyên Quang, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh đã chỉ đạo tổ chức học tập, quán triệt sâu rộng nội dung Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và CĐS quốc gia và Chương trình hành động số 70-CTr/TU tới toàn thể cán bộ, hội viên nông dân gắn với phát động phong trào học tập trên các nền tảng số để trở thành phong trào “học tập số” thường xuyên, liên tục, phổ cập, nâng cao kiến thức về khoa học, công nghệ đổi mới sáng tạo kỹ năng số, công nghệ số cơ bản, thúc đẩy tư duy đổi mới, tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm trong đội ngũ cán bộ Hội.


Hội đã tăng cường tuyên truyền việc lồng ghép thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và CĐS trên các phương tiện truyền thông; trang thông tin điện tử và fanpage của các cấp Hội, các trang mạng xã hội của cá nhân các đồng chí cán bộ, hội viên; tuyên truyền trong các hội nghị chuyên đề, các buổi sinh hoạt chi Hội... 


Đến nay, Hội đã tổ chức 15 lớp tập huấn cho 1.165 lượt người là giám đốc các HTX, chi, tổ Hội nghề nghiệp, cán bộ, hội viên, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi được tiếp cận về các giải pháp tối ưu hóa Zalo, ứng dụng ChatGPT và AI trong xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh, quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp và du lịch cộng đồng; áp dụng quy trình VietGAP, hữu cơ, công nghệ sấy, đóng gói hiện đại nâng cao chất lượng sản phẩm; gắn với mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc bằng QR code; chú trọng việc xây dựng bao bì, nhãn hiệu, tem nhãn sản phẩm, tạo lợi thế cạnh tranh. 


Hội viên được hướng dẫn sử dụng điện thoại thông minh để tra cứu kỹ thuật, cập nhật thông tin, hướng dẫn xây kênh bán hàng trên Fanpage, Tiktok, Youtube… đối với các sản phẩm OCOP và nông sản chủ lực trên địa bàn; được tiếp cận với kỹ năng livestream bán hàng, viết nội dung quảng bá sản phẩm trên nền tảng số; tham gia các chợ phiên, hội chợ, tham gia sàn thương mại điện tử, mở rộng thị trường, giới thiệu nông sản địa phương trên không gian mạng... Một số sản phẩm OCOP như: Trà đậu đen xanh lòng, mật ong Tân Tiến, na dai Lực Hành… đã thực hiện có hiệu quả việc ứng dụng công nghệ vào bảo quản, bao bì, phân phối, gia tăng giá trị và mở rộng thị trường.


Chương trình số hóa đàn bò tiếp tục được Hội triển khai hiệu quả, góp phần quản lý tốt vật nuôi, kiểm soát dịch bệnh và cải thiện năng suất chăn nuôi. Hội còn tích cực phối hợp hướng dẫn 57 doanh nghiệp, HTX áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ; 77 HTX có đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ cho 82 sản phẩm; các mô hình nông nghiệp thông minh đang từng bước được nhân rộng gắn với việc hướng dẫn hội viên xây dựng mô hình khởi nghiệp dựa trên ứng dụng công nghệ vào các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế.  


Bên cạnh đó, việc CĐS còn được Hội chú trọng thực hiện gắn với nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trong cơ quan, đồng bộ thông qua sử dụng phần mềm quản lý hội viên, số hóa hồ sơ công việc, triển khai ký số văn bản điện tử, trao đổi qua hệ thống quản lý văn bản và tổ chức họp trực tuyến.


Tại Bắc Ninh, Hội ND tỉnh đã chỉ đạo Hội ND các cấp chú trọng kết nối phần mềm để làm việc, xử lý văn bản trên máy vi tính và điện thoại thông minh, giúp công tác chỉ đạo, triển khai của các cấp Hội diễn ra nhanh chóng, thuận lợi, hoạt động Hội ngày càng hiệu quả. Đồng thời, ứng dụng công nghệ thông tin và mạng xã hội nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền đến hội viên, nông dân. Trong đó, Trang thông tin điện tử của Hội thường xuyên cập nhật các thông tin hoạt động của các cấp Hội giúp hội viên, nông dân nhanh chóng nắm được hoạt động và các chỉ đạo của Hội cấp trên.


Hội ND tỉnh đã tổ chức tư vấn, hướng dẫn cài đặt và sử dụng nền tảng số “Nông dân Việt Nam” với nhiều tính năng hỗ trợ hội viên và thúc đẩy quá trình số hoá trong hoạt động quản lý của Hội giúp cán bộ, hội viên cập nhật thông tin, mở rộng giao lưu, kết nối, chia sẻ trực tuyến thuận lợi; dự báo thời tiết và khuyến cáo nông vụ chính xác; bán hàng, mua sắm... Đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 37 nghìn cán bộ, hội viên kích hoạt nền tảng số “Nông dân Việt Nam”.


Song song với đó, Hội ND tỉnh tổ chức tập huấn, phổ biến kiến thức về CĐS trong xu thế phát triển hiện nay cho 1.600 hội viên, nông dân. Đồng thời, ký kết Chương trình phối hợp với Bưu điện tỉnh triển khai hỗ trợ nông dân CĐS trong sản xuất và tiêu thụ nông sản hàng hóa; tiến hành rà soát, hỗ trợ 4.067 hộ đăng ký tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart; tập huấn, hướng dẫn phương thức bán hàng trên sàn thương mại điện tử cho 800 hội viên, nông dân; tập huấn về sở hữu trí tuệ cho 200 hội viên, nông dân.


Điển hình tại trang trại nuôi gà của ông Trần Văn Tường - phường Trang Hạ (thành phố Từ Sơn) được đầu tư xây dựng hệ thống chuồng lạnh, máy ấp trứng, hệ thống cho ăn và uống nước tự động, hệ thống điện và máy phát điện dự phòng. Mặc dù chi phí đầu tư ban đầu lớn nhưng nhờ áp dụng công nghệ hiện đại nên vật nuôi của ông ít bị bệnh, giảm chi phí thuốc men, nâng cao chất lượng và sản lượng vật nuôi. Một số khâu đã được thực hiện tự động hóa nên số lượng nhân viên làm việc trực tiếp cũng giảm 50%.


Hay HTX thảo dược Cát Cát - xã Trung Chính (huyện Lương Tài) đã khai thác truyền thông đa phương tiện trong quảng bá, giới thiệu sản phẩm, đưa sản phẩm của HTX đến tay người tiêu dùng thông qua các sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội.


Tại Hà Nội, năm 2024, Hội ND thành phố Hà Nội đã chọn chủ đề: “Hỗ trợ nông dân ứng dụng CĐS, liên kết hợp tác, chủ động tham gia xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu”. Nhờ đó, Hội đã triển khai thành công 72 mô hình CĐS với sự tham gia của hơn 160.000 hội viên, giúp nông dân tiếp cận các nền tảng thương mại điện tử và mở rộng thị trường tiêu thụ.


Bên cạnh đó, Hội ND thành phố Hà Nội còn tổ chức 82 lớp tuyên truyền và vận động hơn 7.400 hộ nông dân tạo tài khoản trên các sàn thương mại điện tử. Nhờ sự hỗ trợ của Hội, nhiều sản phẩm OCOP của thành phố đã được công nhận. Điển hình như sản phẩm cốm của HTX Green Farm, xã Tam Đồng (huyện Mê Linh) đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao và trà sen Bách diệp hồng liên đạt OCOP 4 sao.


Tại Thanh Hóa, Hội ND tỉnh đã phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị tổ chức tập huấn trang bị kiến thức, kỹ năng về CĐS; hướng dẫn, hỗ trợ nông dân ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu, văn bằng bảo hộ nông sản và đưa các nông sản lên sàn thương mại điện tử. Đến nay, đã có 19.736 hộ nông dân có tài khoản trên sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart.vn. Thông qua sàn này, gần 11.180 sản phẩm với tổng giá trị giao dịch đạt 2,53 tỷ đồng đã được thực hiện.


Hội ND tỉnh cũng phối hợp với Sở NN&PTNT hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm, hàng hóa; hỗ trợ đào tạo tập huấn quy trình thực hành nông nghiệp tốt, chứng nhận (VietGAP, VietGAHP) và hỗ trợ tem truy xuất, nhãn mác; hướng dẫn, hỗ trợ hộ sản xuất, kinh doanh thực hiện các thủ tục về vệ sinh an toàn thực phẩm.


Nhiều HTX đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, CĐS trong quá trình sản xuất, giới thiệu, quảng bá sản phẩm tới người tiêu dùng thông qua các sàn thương mại điện tử như: Postmart.vn, Lazada, Shopee; phần mềm kết nối cung - cầu Nongsanantoanthanhhoa.vn; các trang mạng xã hội (Zalo, Facebook)... nhằm đáp ứng những yêu cầu mới của khách hàng, đồng thời, hướng tới xây dựng thương hiệu và phát triển sản phẩm bền vững.


Tiêu biểu như HTX chè Bình Sơn (huyện Triệu Sơn) có 4 sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh gồm: Chè sạch, mật ong, trà xanh túi lọc và trà gai leo túi lọc. Hướng tới CĐS trong nông nghiệp, HTX đã tích cực sử dụng mạng xã hội, xây dựng website, tham gia vào các sàn giao dịch thương mại điện tử để giới thiệu, quảng bá sản phẩm tới người tiêu dùng trên khắp mọi miền đất nước. Nhờ đó, trung bình HTX xuất đi các địa phương trong và ngoài tỉnh khoảng 700 sản phẩm/tháng các loại.


Thời gian tới, các cấp Hội sẽ tăng cường các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, kiến thức cho nông dân về CĐS, truy xuất nguồn gốc sản phẩm trong nông nghiệp, đồng thời đẩy mạnh tuyên tuyên truyền vận động, hỗ trợ nông dân liên kết sản xuất…

 
Tuấn Kiệt
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1