(Cổng ĐT HND)- Thời gian qua, các cấp Hội đã chú trọng hướng dẫn, vận động hội viên, nông dân xây dựng các mô hình kinh tế tập thể (KTTT), chi, tổ Hội nghề nghiệp. Từ đó, đã xuất hiện nhiều gương nông dân điển hình tiên tiến, mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Hiệu quả từ mô hình chi, tổ HND nghề nghiệp đã được khẳng định rõ nét thông qua các mô hình kinh tế cụ thể.
Tại Bắc Kạn, các cấp Hội đã tích cực triển khai Nghị quyết 04-NQ/HNDTW của Trung ương Hội về đẩy mạnh xây dựng chi, tổ Hội nghề nghiệp, tạo cơ sở vững chắc để hình thành và nhân rộng các mô hình tổ hợp tác, HTX, mang lại những kết quả khả quan. Đến cuối năm 2024, toàn tỉnh đã thành lập được 287 chi, tổ Hội nghề nghiệp với 3.168 hội viên. Riêng trong quý I/2025, tỉnh đã thành lập mới 7 chi, tổ Hội nghề nghiệp, cùng với 2 HTX và 2 tổ hợp tác.
Nội dung và hình thức sinh hoạt của các chi, tổ Hội nghề nghiệp luôn được đổi mới theo hướng thiết thực, bám sát tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, vùng miền, đồng thời gắn liền với việc hỗ trợ sản xuất và nâng cao đời sống cho hội viên. Thông qua các hoạt động này, Hội ND các cấp đã tập hợp và thu hút đông đảo nông dân tham gia vào tổ chức Hội.
Hiệu quả từ mô hình chi, tổ HND nghề nghiệp đã được khẳng định rõ nét thông qua các mô hình kinh tế cụ thể. Điển hình là mô hình chăn nuôi dê tại thôn Nà Tẳng, xã Lương Bằng (huyện Chợ Đồn) của anh Hoàng Đại Nghĩa, một thành viên tham gia tổ Hội nghề nghiệp chăn nuôi dê từ năm 2024.
Trước đây, các hộ nuôi nhỏ lẻ, manh mún, nhưng từ khi tham gia tổ Hội nghề nghiệp, việc chăn nuôi đã quy mô hơn. Các thành viên cùng nhau học hỏi, trao đổi kinh nghiệm về kỹ thuật chăn nuôi, phòng bệnh và hỗ trợ nhau tìm đầu ra cho sản phẩm. Khi một hộ không có dê giống hoặc dê thịt để bán, họ sẽ giới thiệu cho các thành viên khác, tạo thành chuỗi liên kết tiêu thụ hiệu quả, tránh tình trạng ế hàng và giúp kinh tế bền vững hơn.
Hiện gia đình anh Nghĩa đang duy trì đàn dê hơn 30 con, dự kiến sẽ phát triển lên hơn 60 con để vừa nuôi thương phẩm, vừa sinh sản. Theo anh Nghĩa, điều kiện tự nhiên đồi núi ở địa phương rất thuận lợi với nguồn thức ăn phong phú cho dê, giúp đàn dê phát triển tốt. Tại xã Lương Bằng còn có các tổ hợp tác nuôi ong, trồng rừng… hiện đều đang phát huy được hiệu quả trong phát triển kinh tế tại địa phương.
Một mô hình liên kết hiệu quả khác là việc nuôi gà Lạc Thủy thả tập trung trên núi cao tại thôn Khuổi Già, xã Đồng Thắng (huyện Chợ Đồn) thông qua liên kết với HTX Toàn Thắng. Mô hình này là một phần của dự án hỗ trợ sản xuất, đa dạng sinh kế thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo.
Các hộ dân tham gia dự án đã thành lập các tổ hợp tác và liên kết chặt chẽ với HTX Toàn Thắng để được hỗ trợ về kỹ thuật, thức ăn và đảm bảo đầu ra cho sản phẩm. HTX Toàn Thắng đã và đang hỗ trợ kỹ thuật và đầu ra cho tổng đàn gà lên đến 10.000 con. Mô hình này đã trải qua hai chu kỳ thành công với mỗi chu kỳ 7.000 con, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ dân.
HTX Toàn Thắng còn tích cực hỗ trợ các hộ dân bằng cách đầu tư mở rộng cơ sở chăn nuôi, xây dựng xưởng chế biến thức ăn, tự ép cám viên theo hướng sản xuất sạch, nhằm tiếp tục liên kết với người dân duy trì mô hình sau khi dự án kết thúc. Lợi ích rõ rệt nhất của việc xây dựng tổ hợp tác và liên kết với HTX là nuôi tập trung và công tác phòng bệnh tốt giúp đàn gà luôn ổn định, giảm thiểu hao hụt, bà con không phải lo đầu ra cho sản phẩm và công tác phòng bệnh cũng được thực hiện hiệu quả.
Tại Thanh Hóa, các cấp Hội ND tỉnh đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền, vận động và hỗ trợ hội viên tham gia phát triển KTTT trong nông nghiệp. Trong đó, việc tổ chức tuyên truyền Luật HTX và các văn bản hướng dẫn thực hiện của Trung ương và địa phương được ưu tiên hàng đầu. Đồng thời, đẩy mạnh các phong trào thi đua do Hội phát động, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, hội viên nông dân trong thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển KTTT, HTX…
Trong năm 2024, Hội ND tỉnh hỗ trợ đánh giá chứng nhận quy trình thực hành chăn nuôi tốt (VietGAP) cho sản phẩm lươn không bùn xã Đông Phú (huyện Đông Sơn); chứng nhận VietGAP (lần 2) cho sản phẩm gà thương phẩm của HTX chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản Yên Lâm và HTX Tân Hưng Phát xã Xuân Hưng, (huyện Thọ Xuân); sản phẩm trứng gà của chi Hội nghề nghiệp nuôi gà siêu trứng xã Hà Châu (huyện Hà Trung); sản phẩm mật ong của HTX dịch vụ Mai An Tiêm, xã Nga Thạch (huyện Nga Sơn); sản phẩm gạo Viên Nội của HTX dịch vụ nông nghiệp xã Thiệu Viên (huyện Thiệu Hóa).
Hội cũng hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc cho 82 sản phẩm. Đồng thời, cung cấp 19.000 tem, nhãn và 5.500 túi đựng sản phẩm cho HTX chế biến thủy sản Sông Yên - xã Quảng Nham và Công ty TNHH nông nghiệp hữu cơ Thiên Bảo - thị trấn Tân Phong (huyện Quảng Xương).
Hội đã tích cực vận động đăng ký và hướng dẫn xây dựng mới thành công cho 77 sản phẩm OCOP; tổ chức 2 lớp tập huấn “Bồi dưỡng kiến thức phát triển kinh tế hợp tác và liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản” cho 80 Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội ND cấp xã và giám đốc HTX; 10 lớp tập huấn "Quy trình, thủ tục đánh giá công nhận sản phẩm OCOP" cho 879 cán bộ và hội viên sản xuất, kinh doanh giỏi. Hội đã trực tiếp vận động, tư vấn, hướng dẫn thành lập mới 273 tổ hợp tác, 25 HTX. Hiện tổng số hội viên tham gia tổ hợp tác, HTX là 15.132 người.
Tại Tây Ninh, các cấp Hội tăng cường công tác tuyên truyền vận động để nâng cao nhận thức trong cán bộ, hội viên nông dân tham gia phát triển KTTT. Hội phối hợp cùng các ngành đã vận động thành lập khoảng 70 HTX, hơn 200 tổ hợp tác với khoảng 5.000 thành viên.
Nhiều HTX, tổ hợp tác sau khi được Hội ND hỗ trợ thành lập đã làm ăn có lãi, tạo thêm nhiều việc làm và các sản phẩm nông sản luôn đạt chất lượng, an toàn, xây dựng được các thương hiệu sản phẩm OCOP. Các mô hình HTX nông nghiệp tổ chức sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị ngày càng tăng. Nhiều HTX đăng ký sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn VietGAP. Điển hình như HTX nông nghiệp mãng cầu Thạnh Tân (thành phố Tây Ninh), HTX Cầu Khởi (huyện Dương Minh Châu), HTX cây ăn trái Bàu Đồn…
Nhằm hỗ trợ hội viên sản xuất hàng hoá theo hướng liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh đã phối hợp với Liên minh HTX xây dựng và nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất, thành lập các chi, tổ Hội nghề nghiệp tại các xã, phường, thị trấn, làm cơ sở tiến tới hình thành tổ hợp tác, HTX trong những ngành nghề, lĩnh vực tại địa phương. Đồng thời đẩy mạnh công tác hỗ trợ đào tạo, tập huấn, ứng dụng công nghệ, kỹ thuật sản xuất mới để làm cơ sở trình diễn, học tập.
Hiện các tổ hợp tác, HTX do Hội ND hỗ trợ thành lập trên địa bàn tỉnh hoạt động đa dạng ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề phù hợp với yêu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh ở vùng nông thôn như: Nuôi trồng thuỷ sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm, dịch vụ nông nghiệp, trồng trọt... Hoạt động của tổ hợp tác, HTX chủ yếu tập trung vào trao đổi thông tin, thời tiết nông vụ, về thị trường, giá cả, thiết bị vật tư nông nghiệp, các loại cây, con giống, phòng trừ dịch bệnh; chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp... Qua đó, giúp các hộ thành viên phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Những hoạt động trên đã giúp nông dân phát huy vai trò chủ thể, đóng góp tích cực vào sự phát triển của kinh tế tập thể và kinh tế nông nghiệp địa phương. Thời gian tới, các cấp Hội tiếp tục tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức của hội viên về vai trò của Hội trong phát triển KTTT nông nghiệp. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng để hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông nghiệp; tham gia các hội chợ giao thương, kết nối cung - cầu; hỗ trợ nông dân tiếp cận các nguồn vốn để phát triển KTTT và HTX; hỗ trợ ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ; thực hiện tốt công tác phối hợp, hợp tác quốc tế về tham gia phát triển KTTT trong nông nghiệp…