(Cổng ĐT HND) – Sáng nay (20/5), tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013. Đồng chí Phan Như Nguyện- Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực Ban Chấp hành Trung ương Nông dân Việt Nam chủ trì Hội thảo.
Đồng chí Phan Như Nguyện- Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực Ban Chấp hành Trung ương Nông dân Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo
Tham dự Hội thảo có các đồng chí Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Nông dân Việt Nam: Bùi Thị Thơm, Nguyễn Xuân Định; đồng chí Nguyễn Đức Triều, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; đại diện lãnh đạo các tổ chức chính trị – xã hội, các ban, ngành, các chuyên gia, nhà khoa học; lãnh đạo Hội Nông dân các tỉnh, thành.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Phan Như Nguyện khẳng định: Với vai trò là tổ chức chính trị - xã hội đại diện cho giai cấp nông dân, Hội Nông dân Việt Nam nhận thức sâu sắc trách nhiệm của mình trong việc tham gia góp ý sửa đổi Hiến pháp, góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Việc lấy ý kiến cán bộ, hội viên, nông dân không chỉ nhằm phát huy quyền làm chủ, thể hiện ý chí, nguyện vọng chính đáng của nhân dân mà còn là dịp để lắng nghe, tiếp thu những hiến kế thiết thực, tâm huyết nhằm đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính khả thi và đồng thuận xã hội cao của Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp.
“Việc sửa đổi Hiến pháp dù ở phạm vi nào cũng là một công việc rất hệ trọng. Do vậy theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp phải được tiến hành thận trọng, khách quan, dân chủ, khoa học, hiệu quả với sự tham gia tích cực, đồng bộ của các cơ quan, tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học.Hội thảo hôm nay có sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, đại diện cơ quan Trung ương và địa phương. Chúng tôi mong muốn nhận được nhiều ý kiến phát biểu sâu sắc, khách quan, từ góc độ lý luận và thực tiễn, đặc biệt là từ thực tiễn tổ chức và hoạt động của Hội để góp phần làm rõ hơn các nội dung cần sửa đổi, bổ sung trong Hiến pháp”- Phó Chủ tịch Thường trực Phan Như Nguyện nhấn mạnh.
Hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tích cực tham gia góp ý về các quy định của Hiến pháp liên quan đến vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, trong đó có Hội Nông dân Việt Nam (cụ thể điều 9, điều 10, điều 84…).
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng góp ý về quy định mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; nêu quan điểm về việc chuyển đổi sang mô hình 2 cấp chính quyền (tỉnh và cơ sở); Đề xuất các điều kiện cần thiết để đảm bảo hiệu quả thực thi khi áp dụng mô hình mới ở các địa phương có đặc thù như miền núi, nông thôn, vùng sâu, vùng xa – nơi có đông nông dân sinh sống; Góp ý về quy định chuyển tiếp, cơ chế vận hành không gián đoạn khi tổ chức lại chính quyền địa phương...
Tham gia phát biểu ý kiến tại Hội thảo, Tiến sỹ Nguyễn Thị Ngọc Linh – Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Dự thảo sửa đổi bổ sung nhiều nội dung đáng chú ý, trong đó có việc khẳng định MTTQ Việt Nam là “bộ phận của hệ thống chính trị của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo”.
Đồng chí Nguyễn Đức Triều, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát biểu ý kiến tại Hội thảo
Ngoài ra, dự thảo nhấn mạnh vai trò của Mặt trận trong việc “thể hiện ý chí, nguyện vọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; phản ánh ý kiến, kiến nghị của Nhân dân đến các cơ quan nhà nước”. Qua đó so với quy định hiện hành, dự thảo thể hiện sự mở rộng chức năng dân chủ đại diện của MTTQ Việt Nam từ phản biện, giám sát, đến vai trò trung gian giữa Nhân dân và Nhà nước.
Về mối quan hệ tổ chức giữa Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội, Tiến sỹ Nguyễn Thị Ngọc Linh nêu ý kiến: Dự thảo sửa đổi Hiến pháp quy định chặt chẽ hơn: Các tổ chức này là “các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”, và phải “hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động dưới sự chủ trì của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”.
“Có thể thấy, việc chuyển từ quan hệ “phối hợp” sang “trực thuộc” và hoạt động “dưới sự chủ trì” là một thay đổi đáng kể về mặt tổ chức. Dự thảo có xu hướng tập trung hóa quyền lực tổ chức trong Mặt trận, tạo điều kiện tăng tính thống nhất hành động, nhưng cũng đặt ra lo ngại về tính tự chủ và sự đa dạng tiếng nói trong nội bộ các tổ chức thành viên. Việc chuyển từ mô hình “phối hợp hành động” sang “trực thuộc, thống nhất dưới sự chủ trì” có thể ảnh hưởng đến tính tự chủ và đa dạng tiếng nói trong nội bộ Mặt trận. Đây là vấn đề đáng lưu ý trong bối cảnh thúc đẩy dân chủ, cần lắng nghe các quan điểm khác biệt và bảo đảm quyền bình đẳng giữa các tổ chức thành viên” - Tiến sỹ Nguyễn Thị Ngọc Linh nêu quan điểm.
Theo Tiến sỹ Nguyễn Thị Ngọc Linh, việc sử dụng thuật ngữ “trực thuộc” có thể dẫn đến cách hiểu tổ chức theo cơ chế hành chính thứ bậc, làm lu mờ tính độc lập của các hội đoàn. Do đó, kiến nghị giữ sự linh hoạt về tổ chức bằng việc thay cụm từ “trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam” bằng “thành viên trong hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”, đồng thời giữ nguyên nguyên tắc “hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động”.
Chia sẻ ý kiến tại Hội thảo, Tiến sỹ Trần Văn Miều - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đồng ý với nhiều nội hàm ghi trong Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội. Tuy nhiên, đề nghị bổ sung cụm từ “Nhà nước” vào trước cụm từ: “chính quyền” để hoàn chỉnh là: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là bộ phận của hệ thống chính trị của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, là cơ sở chính trị của Nhà nước và chính quyền nhân dân”…
Bởi vì, theo tinh thần mới thì Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội…là bộ phận của hệ thống chính trị của Việt Nam và Phải là cơ sở chính trị của Nhà nước và chính quyền nhân dân hai cấp.
Tiến sỹ Nguyễn Thị Ngọc Linh – Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh kiến nghị giữ sự linh hoạt về tổ chức bằng việc thay cụm từ “trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam” bằng “thành viên trong hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”
Tiến sỹ Trần Văn Miều cũng đề nghị bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc tham gia xây dựng chính sách và pháp luật. Bởi vì, trong thực tế, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đã tham gia vận động chính sách cho người dân như: Đề xuất chính sách, phản biện, tuyên truyền, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện và đề xuất sửa đổi, bổ sung…
Phát biểu tại Hội thảo lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức, ông Nguyễn Đức Triều, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khẳng định: Trong bối cảnh hiện nay, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 là cấp thiết, đáp ứng yêu cầu cách mạng về sắp xếp tổ chức, tinh gọn bộ máy, cán bộ nói chung, chỉ có chính quyền tỉnh, thành phố; chính quyền xã, phường, không còn chính quyền quận, huyện để hoạt động có hiệu lực, hiệu quả hơn.
Về Điều 9, nội dung 2, nguyên Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Đức Triều đề nghị nên bỏ chữ “trực thuộc” Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vì mỗi tổ chức chính trị - xã hội như Hội Nông dân Việt Nam, Công đoàn Việt Nam, Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam đều hoạt động theo tôn chỉ mục đích và điều lệ, có tính độc lập nhưng phải phối hợp.
Tại Hội thảo, chuyên gia Hoàng Trọng Thuỷ nêu ý kiến: Mặt trận hoạt động theo nguyên tắc hiệp thương dân chủ dùng từ “trực thuộc” mang tính hành chính, bắt buộc, gò bó. Đồng thời, đề nghị bỏ chữ “trực thuộc” ở Điều 9 và Điều 10, đồng thời đề nghị bỏ nội dung đã quy định đối với Công đoàn “là tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vì đã quy định tại Khoản 2 Điều 9. Bổ sung đề nghị sau chữ “Công đoàn” là đại diện cho công nhân ở cấp quốc gia; bổ sung thêm “Hội Nông dân Việt Nam” là đại diện cho nông dân ở cấp quốc gia.
Trong bối cảnh Đảng ta đã chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị bảo đảm yêu cầu tinh, gọn, mạnh, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, Nghị quyết số 60-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ngày 12/4/2025 đã thống nhất định hướng xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, sắp xếp các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ vào MTTQ Việt Nam, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 trong thời điểm hiện nay là hết sức cần thiết, tạo cơ sở hiến định cho việc thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy.