image banner
Bắc Kạn: Tham gia Chương trình FFF II góp phần nâng cao thu nhập cho các Hợp tác xã từ 20 - 25%/năm
Lượt xem: 41
(Cổng ĐT Hội ND) – Thời gian qua, nhờ có sự quan tâm chỉ đạo của các cấp chính quyền địa phương, cùng sự vào cuộc, hỗ trợ, giúp đỡ của các sở, ngành, các cấp Hội ND trong tỉnh, các đơn vị và các bên liên quan, Chương trình hỗ trợ rừng và trang trại giai đoạn II (Chương trình FFF II) tiếp tục được triển khai trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn và đã đạt nhiều kết quả thiết thực.

 

Anh-tin-bai

Thông qua sự hỗ trợ của Chương trình, bước đầu giúp các xã dần hình thành được những vùng sản xuất tập trung với quy mô lớn theo hướng phát triển hàng hóa, nhiều sản phẩm được mang đi trưng bày tại nhiều buổi Hội thảo

 

Mục tiêu chính của chương trình đó là tổ chức và triển khai thực hiện các hoạt động nhằm hỗ trợ các tổ chức của người sản xuất rừng và trang trại (FFPOs), trong đó có phụ nữ, thanh niên và người dân tộc thiểu số trở thành các tác nhân thay đổi chủ yếu đối với cảnh quan chống chịu biến đổi khí hậu và cải thiện sinh kế cho người dân địa phương.

 

Hàng năm, căn cứ theo kế hoạch hoạt động của Ban Quản lý Chương trình FFF II Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Ban Quản lý Chương trình FFF II tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động tại tỉnh theo đúng tiến độ. Thông qua nhiều hoạt động và nội dung cụ thể được Hội ND tỉnh, Ban Quản lý Chương trình FFF II tỉnh triển khai thành công, Chương trình FFF II cho thấy đã mang lại nhiều hiệu quả rõ nét, được Ủy ban nhân dân tỉnh, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đánh giá cao.

 

Theo đó, tại tỉnh Bắc Kạn, Chương trình FFF II đang được triển khai tại địa bàn 05 xã, gồm: Các xã Yến Dương, Mỹ Phương, Thượng Giáo (thuộc huyện Ba Bể); xã Phương Viên và Yên Phong (huyện Chợ Đồn); xã Địa Linh (huyện Ba Bể) tham gia thực hiện dự án nhỏ.

 

Ban Quản lý Chương trình FFF II tỉnh thường xuyên tổ chức các cuộc hội thảo, tập huấn về lập kế hoạch truyền thông; hỗ trợ giống cây lâm nghiệp có giá trị kinh tế cao; tập huấn kỹ thuật trồng cây lâm sản ngoài gỗ kết hợp cây dược liệu dưới tán rừng cho các hộ trồng rừng. Đồng thời, tiếp tục duy trì hoạt động của các thúc đẩy viên, nhóm nòng cốt hướng dẫn, đôn đốc các Tổ hợp tác, Hợp tác xã thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh.

 

Trong năm 2024, Ban Quản lý Chương trình FFF II tỉnh đã phối hợp với các ngành liên quan tổ chức 04 hội nghị bàn tròn tại các xã thực hiện Chương trình để tuyên truyền những chính sách của Trung ương, của tỉnh và huyện có liên quan đến phát triển nông, lâm nghiệp. Đồng thời, thông qua các ý kiến thảo luận, đóng góp nhằm tìm ra những khó khăn cần được giải quyết trong nội bộ tổ hợp tác, Hợp tác xã (THT, HTX); bàn giải pháp hỗ trợ các HTX, HTX phát triển sản xuất rừng và trang trại bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

 

Ban Quản lý Chương trình FFF II tỉnh cũng đã tổ chức thành công lễ phát động chiến dịch truyền thông về trồng rừng và phục hồi rừng, giảm phát thải khí nhà kính với 160 đại biểu tham dự. Tổ chức được 07 cuộc kiểm tra, khảo sát xây dựng mô hình tại 5 xã thực hiện Chương trình FFF; tổ chức 04 hội nghị triển khai chương trình FFF năm 2024 và tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây hồi, quế với 150 đại biểu, hội viên, nông dân tham gia.

 

Bên cạnh đó, duy trì hoạt động các thúc đẩy viên, nhóm nòng cốt hướng dẫn, đôn đốc các THT, HTX thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đến nay, thông qua Chương trình FFF II, Hội ND tỉnh đã phối hợp với các đơn vị thực hiện Chương trình tổ chức hướng dẫn thành lập và hỗ trợ duy trì 13 HTX, THT với 167 thành viên tham gia chính thức và 539 thành viên liên kết; 01 Liên hiệp HTX Rừng và trang trại huyện Ba Bể với 08 HTX thành viên tham gia, gồm có 184 thành viên đang sinh hoạt.

 

Đáng chú ý, thông qua Chương trình FFF II, các cấp Hội ND trong tỉnh đã tích cực hỗ trợ xây dựng và duy trì được 24 mô hình trồng cây lâm nghiệp và cây gỗ lớn.

 

Cụ thể: Năm 2024, Chương trình đã hỗ trợ xây dựng mới được 11 mô hình trồng cây lâm nghiệp và cây gỗ lớn cho 139 hộ nông dân tham gia, với tổng diện tích canh tác 38,8 ha; tổng số đã hỗ trợ ác hộ nông dân tham gia mô hình được 58.110 cây giống, 8.670 kg phân hữu cơ vi sinh. Trong đó, có 03 mô hình trồng và chăm sóc cây hồi, quế tại địa bàn xã Phương Viên (huyện Chợ Đồn) và xã Mỹ Phương (huyện Ba Bể) với tổng diện tích 20,8ha/83 hộ tham gia; 04 mô hình trồng và chăm sóc cây quế, cây mỡ với tổng diện tích 14ha, hỗ trợ cho 28 hộ tham gia thực hiện tại xã Quảng Khê và Chu Hương (huyện Ba Bể), xã Đồng Thắng và Yên Phong (huyện Chợ Đồn).

 

Ngoài ra, phối hợp với Viện Nghiên cứu Lâm sinh xây dựng 04 mô hình trồng cây trám đen ghép, cây vù hương, cây tếch bảy lá một hoa tại các xã Phương Viên, Yên Phong (huyện Chợ Đồn), xã Thượng Giáo (huyện Ba Bể) với tổng diện tích 4 ha cho 28 hộ nông dân tham gia.

 

Một số mô hình điển hình đang được hỗ trợ triển khai tại địa bàn 5 xã thực hiện Chương trình FFF II như: Mô hình trồng lúa nếp Tài hữu cơ; trồng cây dược liệu (xạ đen, nhân trần, cây sa nhân tím dưới tán rừng, trồng cây khôi nhung dưới tán rừng); đan lát thủ công mỹ nghệ; du lịch trải nghiệm tại thôn Phiêng Phàng, xã Yến Dương; trồng và chăm sóc hồi, quế; trồng rừng gỗ lớn thâm canh, nông lâm kết hợp, đã được hỗ trợ các loại cây giống (dẻ đỏ, giổi ghép, tếch, vù hương, trám đen ghép).

 

Tích cực tuyên truyền, hướng dẫn các THT, HTX duy trì thực hiện các mô hình sản xuất hữu cơ. Trong năm, Ban Điều phối PGS Bắc Kạn đã cấp chứng nhận hữu cơ PGS cho 06 sản phẩm gồm: Dong riềng, cà gai leo của HTX nông nghiệp sạch Tân Sơn (cấp lần đầu); sản phẩm chè Shan tuyết Bản Mộc của HTX Nông nghiệp Bản Mộc xã Yên Hân, sản phẩm chè Shan tuyết Khau Mu của HTX Nông nghiệp Thái Lạo, chè Shan tuyết Bản Cháo xã Yên Cư (huyện Chợ Mới); miến dong HTX Yến Dương.

 

Mặt khác, để nâng cao giá trị, từ các sản phẩm gạo nếp Tài hữu cơ và bí thơm hữu cơ, các THT, HTX đã linh hoạt, sáng tạo trong khâu chế biến để trở thành các sản phẩm đặc thù như: Bánh chưng, trà bí thơm, miến bí thơm.

 

Các cấp Hội ND trong tỉnh còn chủ động hướng dẫn xây dựng nhãn, mác bao bì, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm và tạo điều kiện cho các THT, HTX tham gia các hội chợ, sự kiện quảng bá, giới thiệu sản phẩm cả ở trong và ngoài tỉnh… Từ đó, góp phần nâng cao thu nhập cho các HTX tăng từ 20 - 25%/năm so với trước.

 

Thông qua sự hỗ trợ của Chương trình, bước đầu giúp các xã dần hình thành được những vùng sản xuất tập trung với quy mô lớn theo hướng phát triển hàng hóa. Đồng thời, các THT, HTX đã có sự tăng cường mối liên kết trong các khâu sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; chủ động hơn trong việc tổ chức sản xuất cũng như định hướng sản xuất để tạo ra các sản phẩm an toàn, hữu cơ nhằm nâng cao thu nhập cho các thành viên tham gia và phát triển bền vững.

 

Hiện nay, các sản phẩm hữu cơ đã được các HTX tăng cường việc kết nối tiêu thụ tại chuỗi các cửa hàng đặc sản, thực phẩm sạch, hữu cơ, OCOP tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước như: Hà Nội, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Ninh Bình, thành phố Hồ Chí Minh, Nghệ An, Yên Bái, Hoà Bình, Lào Cai… Các chuỗi siêu thị như: Bigreen, Bactom, Sói Biển, Thiên Phúc, Đặc sản Việt, Tâm chay An Lạc, Big C… Cùng với đó, Ban Điều phối còn hỗ trợ đưa các sản phẩm hữu cơ lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn. 

 

Trong năm, Ban Quản lý Chương trình FFF II tỉnh cũng thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật sản xuất thân thiện với môi trường, sản xuất hữu cơ, tích cực bảo vệ và phát triển rừng gỗ lớn, gia tăng giá trị dưới tán rừng. Qua đó, góp phần giảm thiểu, thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua việc nâng cao nhận thức về môi trường cho hội viên, nông dân.

 

Đáng chú ý, đã triển khai hỗ trợ cho thành viên của 07 THT, HTX được vay 95 triệu đồng từ nguồn vốn “Quỹ tín dụng xanh” để đầu tư trồng cây dược liệu, sản xuất và chế biến tinh bột dong riềng, chăn nuôi trâu bò nhằm quản lý, phát triển rừng bền vững và ứng phó biến đổi khí hậu. Qua đánh giá, nhìn chung các THT, HTX đều đã sử dụng nguồn vốn đúng mục đích và phát huy hiệu quả.

 

Thêm một điểm đặc biệt nữa, đó là không chỉ giúp nâng cao năng lực cho các THT, HTX sản xuất rừng, trang trại về phát triển tổ chức, cách thức quản lý, sản xuất, kinh doanh rừng và trang trại theo chuỗi hiệu quả, Chương trình FFF II còn giúp các THT, HTX khai thác tốt những tiềm năng về dịch vụ văn hóa, xã hội của địa phương để cung cấp cho các thành viên và cộng đồng. Đồng thời, hỗ trợ các THT, HTX thường xuyên duy trì các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao, góp phần giữ gìn bản sắc văn hoá, nâng cao đời sống tinh thần của người dân trên địa bàn.

 

Điển hình như Chương trình đã tổ chức tốt hoạt động hỗ trợ xã Yến Dương (huyện Ba Bể) xây dựng và duy trì 03 điểm chụp ảnh “check in” ở cánh đồng lúa Nếp Tài hữu cơ tại thôn Phiêng Phàng, bước đầu đáp ứng nhu cầu du lịch trải nghiệm của các du khách. Thường xuyên tham gia các lễ hội do địa phương tổ chức, phối hợp tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao để góp phần gia tăng tình đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng dân cư tại các xã triển khai mô hình.

 

Ngoài ra, đã xây dựng 03 video clip tuyên truyền về hoạt động chiến dịch truyền thông và tuyên truyền giới thiệu HTX, sản phẩm mật ong rừng tự nhiên để đăng tải và phát trên Cổng thông tin điện tử Hội Nông dân tỉnh Bắc Kạn, Báo Bắc Kạn, Đài phát thanh truyền hình tỉnh và các trang mạng xã hội khác. Tuyên truyền, vận động duy trì các hoạt động của Chương trình FFF tổ chức tại địa phương có tỷ lệ nữ tham gia là 40% trở lên.

 

Ban Quản lý Chương trình FFF II tỉnh đã hỗ trợ, hướng dẫn các THT, HTX xây dựng đề xuất 04 dự án nhỏ năm 2025 và tổ chức triển khai các hoạt động của dự án nhỏ năm 2024. Tiêu biểu như đã hỗ trợ HTX Nông lâm tổng hợp Địa Linh, xã Địa Linh (huyện Ba Bể) thực hiện dự án “Hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý, phát triển mô hình nuôi ong dưới tán rừng và hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu mật ong rừng và kết nối thị trường”.

 

Cụ thể, đã tổ chức triển khai được 9 hoạt động gồm: Tổ chức 03 hội nghị họp khởi động, tổng kết, bàn tròn với 80 lượt hội viên, nông dân tham gia; tổ chức 02 lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi ong, nâng cao chất lượng đàn ong và mật ong, kỹ thuật trồng rừng, nông lâm kết hợp, xây dựng vùng sản xuất hữu cơ, sinh thái, tạo nguồn hoa cho ong với 70 hội viên, nông dân tham gia; hỗ trợ HTX tham gia các hội chợ thương mại giới thiệu và quảng bá sản phẩm mật ong rừng, kết nối doanh nghiệp, tiếp cận thương mại điện tử trong và ngoài tỉnh; hỗ trợ xây dựng mô hình nuôi ong cho 18 thành viên của tổ hợp tác nuôi ong; hỗ trợ kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm, thiết kế logo, mẫu mã bao bì, nhãn mác, đóng gói, tem truy xuất… Hiện nay, sản phẩm mật ong rừng Bắc Kạn của HTX đã được chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm và sản phẩm đạt OCOP 3 sao của tỉnh.

 

Thông qua việc triển khai các dự án đã hỗ trợ cho các THT, HTX nâng cao năng lực quản lý và xây dựng được nhãn hiệu, bao bì sản phẩm, xúc tiến thương mại. Qua đó, góp phần gia tăng giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho các thành viên trong HTX và người dân ở địa phương cũng như thích ứng với biến đổi khí hậu.

 

Chương trình FFF II được trên địa bàn tỉnh đã luôn nhận được sự quan tâm và tạo điều kiện của Ban quản lý Chương trình FFF của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; sự phối hợp chặt chẽ của Hội ND các cấp, các sở ngành, chính quyền các huyện và các bên liên quan. Nhờ đó, Chương trình được triển khai đồng bộ, có sự phối hợp từ các nguồn lực, thực hiện các chính sách ở từng địa bàn cụ thể, phù hợp và thống nhất trong công tác tổ chức, chỉ đạo, bảo đảm thực hiện đúng tiến độ, kế hoạch hoạt động của dự án.

 

Qua đó, góp phần hỗ trợ hội viên, nông dân sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Đặc biệt, đã tạo được sự thay đổi rõ nét về tư duy, nhận thức của người nông dân trong sản xuất nông nghiệp, phát triển sinh kế dưới tán rừng.

 

Bên cạnh đó, Chương trình đã tạo được sự gắn kết giữa người sản xuất rừng và trang trại, gia tăng tính đoàn kết, hợp tác trong nông dân, cộng đồng; gắn kết THT, HTX với chính quyền địa phương, các cơ quan, ban ngành liên quan; các THT, HTX có kế hoạch sản xuất, kinh doanh nông, lâm nghiệp bền vững, áp dụng các biện pháp canh tác thân thiện môi trường, sản xuất hữu cơ, đa dạng sinh học, giảm phát thải khí nhà kính gắn với phát triển và bảo vệ rừng bền vững…

 

Đến nay, các THT, HTX do Chương trình hỗ trợ đã xây dựng được các mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm thiết thực cho các tổ trồng bí xanh thơm với tổng diện tích canh tác hơn 100 ha, cho sản lượng 3.000 tấn/năm; các tổ trồng dong riềng hữu cơ với diện tích canh tác 10 ha; mô hình trồng lúa hữu cơ diện tích canh tác 20 ha…

 

Chương trình cũng đã tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho lãnh đạo các THT, HTX, giúp các THT, HTX tiếp cận với các chương trình, dự án của nhà nước và các tổ chức quốc tế. Trên cơ sở đó, từng bước mở rộng nhà xưởng, trang bị thêm các máy móc, trang thiết bị phục vụ cho việc chế biến và tiêu thụ sản phẩm của các THT, HTX và các nhóm liên kết.

 

Có thể thấy, Chương trình FFF II là mô hình đạt được tính hiệu quả tích cực, có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ liên quan tới các THT, HTX về khả năng kinh doanh, tiếp cận thị trường, tài chính thông qua chuỗi giá trị gắn với bình đẳng giới và cung cấp dịch vụ cho các thành viên. Bằng những cách làm hay, sáng tạo từ Ban Quản lý Chương trình FFF II tỉnh đã giúp cho sự lan tỏa các mô hình rộng hơn, để người nông dân thấy được nhiều lợi ích hơn, không chỉ có lợi ích về kinh tế mà còn cả lợi ích về sức khỏe con người. Từ đó, thu hút thêm nhiều hội viên, nông dân tích cực tham gia Chương trình.

 

Bích Thu
Tin cùng chuyên mục
1 2 3 4 5  ... 
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1