Sơn La: Nhiều hoạt động nhằm nâng cao năng lực cho các hộ trồng rừng
(Cổng ĐT Hội ND) – Thời gian qua, Chương trình hỗ trợ rừng và trang trại giai đoạn II (Chương trình FFF II) tiếp tục được triển khai trên địa bàn tỉnh Sơn La. Với quan tâm chỉ đạo của các cấp chính quyền địa phương; sự vào cuộc, hỗ trợ, giúp đỡ của các sở, ngành, các đơn vị cùng các bên liên quan, Chương trình đã đạt nhiều kết quả thiết thực, được Ủy ban nhân dân tỉnh, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đánh giá cao.
Chương trình hỗ trợ rừng và trang trại giai đoạn II (Chương trình FFF II) tiếp tục được triển khai trên địa bàn tỉnh Sơn La đã góp phần giúp người nông dân dần thay đổi tư duy, đa dạng hóa các sản phẩm dưới tán rừng để nâng cao thu nhập
Đáng chú ý, việc triển khai mô hình phát triển rừng gỗ lớn, trồng cây nông nghiệp hữu cơ, nông, lâm kết hợp tại các xã thông qua Chương trình hỗ trợ rừng và trang trại giai đoạn II (Chương trình FFF II) đã và đang tạo ra một luồng sinh khí mới trong sản xuất nông, lâm nghiệp của nông dân tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh. Qua đó, góp phần giúp người dân dần thay đổi tư duy, đa dạng hóa các sản phẩm dưới tán rừng để nâng cao thu nhập.
Hàng năm, căn cứ theo kế hoạch hoạt động của Ban Quản lý Chương trình FFF II Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Ban Quản lý Chương trình FFF II tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động tại tỉnh theo đúng kế hoạch đề ra. Theo đó, Ban Quản lý Chương trình FFF II tỉnh đã tham mưu, tổ chức triển khai, chỉ đạo các đơn vị tham gia Chương trình FFF tích cực tham gia các hoạt động như: Tổ chức Hội thảo, tập huấn, đón đoàn vào đảm bảo an toàn, chu đáo; chỉ đạo các cấp Hội tích cực phối hợp triển khai 05 dự án nhỏ được Ban Quản lý Chương trình FFF II Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phê duyệt theo quy định cơ bản đảm bảo đúng tiến độ yêu cầu.
Năm 2024, Ban Quản lý Chương trình FFF II tỉnh đã phối hợp với các ngành liên quan tổ chức 04 cuộc họp lập kế hoạch triển khai các nội dung, nhiệm vụ chi tiết hoạt động Chương trình với sự tham gia của trên 130 đại biểu; khảo sát mở rộng địa bàn để tiếp tục triển khai Chương trình tại các huyện, trong đó là các tổ hợp tác (THT), Hợp tác xã (HTX) có các tiêu chí đáp ứng Chương trình tại xã Chiềng Hắc (huyện Mộc Châu) và xã Chiềng Khoa (huyện Vân Hồ).
Đồng thời, đã tổ chức 2 cuộc thảo luận nhóm trọng tâm tại các xã, các THT, HTX tham gia Chương trình FFF với sự tham gia của 100 đại biểu là cán bộ Hội ND ở cơ sở, đại diện THT, HTX của nông dân làm rừng và trang trại, phụ nữ, thanh niên, người dân tộc thiểu số, nhóm nòng cốt tại cộng đồng để xác định những khó khăn cần giải quyết; đưa ra các giải pháp xây dựng liên kết hợp tác với doanh nghiệp, đối tác và đã vận động được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương cùng các bên liên quan khác. Duy trì hoạt động các nhóm nòng cốt cộng đồng ở 02 xã Đông Sang (huyện Mộc Châu) và xã Chiềng Xuân (huyện Vân Hồ); mỗi xã 01 nhóm gồm có 6 thành viên.
Các cấp Hội ND trên địa bàn tỉnh đã chủ động tổ chức các cuộc họp trọng tâm, tổ chức 10 hội nghị bàn tròn ở các cấp với sự tham gia của 335 đại biểu nhằm rà soát, thảo luận những khó khăn của các THT, HTX, đưa ra giải pháp cũng như kế hoạch nhân rộng mô hình và sự phối hợp của các cơ quan liên quan. Phối hợp tổ chức 01 cuộc họp tư vấn liên ngành cấp tỉnh nhằm tư vấn, hỗ trợ thực hiện Chương trình hiệu quả, chia sẻ thông tin, kết quả nghiên cứu, chính sách mới, chương trình dự án đang triển khai….
Bên cạnh đó, các cấp Hội luôn quan tâm tới việc nâng cao năng lực cho các thành viên FFPOs về cách làm việc nhóm, quản lý tổ chức gắn với mở rộng quy mô và tạo tác động kinh tế- xã hội cho các hộ nông dân nhỏ (nhằm gia tăng lợi ích từ rừng), cách tiếp cận cảnh quan, kỹ thuật trồng rừng luân canh và rừng bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu; tập huấn nông - lâm kết hợp đa dạng hóa cây trồng, lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng và trong cảnh quan rừng keo luân canh, kết hợp với việc tham quan trao đổi với các mô hình đã thành công.
Hội ND tỉnh đã xây dựng và thực hiện chiến lược truyền thông của Chương trình FFF, Hội ND các cấp, HTX để vận động các chính sách và nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ và phát triển rừng bền vững, nâng cao giá trị rừng và cảnh quan rừng, quan tâm thực hiện bình đẳng giới, nâng cao vai trò của phụ nữ, thanh niên, người dân tộc thiểu số. Quan tâm, phát huy các dịch vụ văn hóa xã hội cho thành viên như: Lễ hội, điệu hát, múa truyền thống, trang phục, phong trào thể dục, thể thao, phong trào dân vũ… giúp nâng cao sức khỏe và tinh thần đoàn kết cho cộng đồng gắn với gìn giữ các giá trị văn hóa bản địa.
Mặt khác, duy trì hoạt động thường xuyên chuyên trang Chương trình FFF trên website của Hội ND tỉnh bằng việc: Đưa các tin tức, ảnh, về FFF; phóng sự về hoạt động của các HTX và chương trình FFF. Ngoài ra, còn lồng ghép các nội dung của Chương trình và bản tin của Hội ND tỉnh được phát sáng trên Đài phát thanh truyền hình tỉnh nhằm tuyên truyền những kết quả đã triển khai có hiệu quả của Chương trình.
Trong năm, Ban Quản lý Chương trình FFF II tỉnh cũng đã tổ chức 6 lớp tập huấn cho trên 200 đại biểu là cán bộ Hội, thành viên THT, HTX, các thúc đẩy viên về một số nội dung cần thiết. Cụ thể như: Quản lý rủi ro và ươm mầm kinh doanh; kỹ thuật trồng và bảo vệ rừng chế biến lâm sản, kỹ thuật lâm sinh... gắn với phát triển lâm sản ngoài gỗ, tre nứa, dược liệu, nuôi ong, nấm, trồng hoa trên cảnh quan rừng và du lịch nông nghiệp, cộng đồng, cảnh quan rừng; về nông nghiệp hữu cơ và hệ thống bảo đảm có sự tham gia (PGS), quản lý chất lượng nội bộ cho sản xuất hữu cơ…
Ban Quản lý Chương trình FFF II tỉnh phối hợp hỗ trợ HTX, các nhóm hộ tham gia 03 cuộc triển lãm sản phẩm; tổ chức hội nghị khách hàng, kết nối thị trường, nhà sản xuất, xúc tiến thương mại, kết nối HTX với sàn giao dịch điện tử; Hội thảo kiến thức để chia sẻ các phương pháp hay nhất và công nghệ tiên tiến. Đồng thời, tổ chức các chuyến tham quan, trao đổi học tập để tìm hiểu và chia sẻ kinh nghiệm giữa các THT, HTX tham gia vào Chương trình FFF II, các mô hình phát triển rừng và trang trại từ các địa phương khác nhau.
Toàn tỉnh hiện có 408.970 ha đất nông nghiệp, chiếm 28,98% diện tích đất tự nhiên. Trong đó, có 2 cao nguyên Mộc Châu và Nà Sản với địa hình tương đối bằng phẳng, đất đai phì nhiêu, thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, đặc biệt là cây ăn quả, cây công nghiệp. Ngoài ra, có 40.000 ha mặt nước lòng hồ thủy điện Sơn La và thủy điện Hòa Bình, rất thuận lợi cho phát triển nuôi trồng thủy sản và du lịch.
Hiện, trên địa bàn tỉnh có 740 HTX nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; 11 doanh nghiệp khoa học và công nghệ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; có 24 sản phẩm mang địa danh được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ; 109 sản phẩm OCOP; 220 khu vực cây ăn quả được cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu. Đặc biệt, đã duy trì, phát triển 235 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn; trong đó, có 32 chuỗi rau, 152 chuỗi quả, 11 chuỗi chè, cà phê, 28 chuỗi thủy sản an toàn…; đã có 22 mặt hàng nông sản xuất khẩu.
Thông qua Chương trình, các cấp Hội, các địa phương đã tiếp tục phát triển được mô hình các THT, HTX, mở rộng quy mô sản xuất, nâng tầm chất lượng sản phẩm, tham gia xây dựng, mở rộng quy mô các chuỗi giá trị sản xuất nông lâm nghiệp. Bên cạnh đó, tiếp tục phối hợp, mở rộng quy mô phát triển sản xuất đối với HTX, THT tham gia thực hiện Chương trình như: HTX Tân Xuân 269 (huyện Vân Hồ); HTX Rau an toàn tự nhiên, HTX Nông nghiệp hữu cơ xã Đông Sang (huyện Mộc Châu), nhờ đó nhằm thực hiện được các mục tiêu của Chương trình đã đề ra.
Từ sự hỗ trợ của Chương trình, bước đầu giúp các xã dần hình thành được những vùng sản xuất tập trung với quy mô lớn theo hướng phát triển hàng hóa. Đồng thời, các THT, HTX đã có sự tăng cường mối liên kết trong các khâu sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; chủ động hơn trong việc tổ chức sản xuất cũng như định hướng sản xuất để tạo ra các sản phẩm an toàn, hữu cơ nhằm nâng cao thu nhập cho các thành viên tham gia và phát triển bền vững.
Để xây dựng các hoạt động theo đúng kế hoạch của Ban Quản lý Chương trình FFF II tỉnh đề ra, Hội ND huyện Vân Hồ, thị xã Mộc Châu đã tổ chức, triển khai các nội dung dự án nhỏ gồm: Họp với các HTX, THT, các nhóm quản lý và bảo vệ rừng; họp với các nhóm rau củ quả hữu cơ, du lịch trải nghiệm và nhóm quản lý bảo vệ rừng. Đồng thời, phối hợp tổ chức tập huấn đào tạo kỹ năng du lịch và dạy nghề cho 20 lao động có khả năng làm hướng dẫn viên du lịch; đào tạo 2 lớp nông nghiệp hữu cơ; tổ chức cho đại diện HTX, THT đi tham quan mô hình hữu cơ và du lịch cộng đồng tại địa bàn tỉnh Lào Cai.
Tiêu biểu như HTX nông lâm nghiệp A Cao ở Bản Hua Tạt, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ đã nỗ lực triển khai thực hiện mô hình, bước đầu mang lại những kết quả rõ nét. Trước đây, nhiều bản của xã Vân Hồ là điểm nóng về ma túy với tỷ lệ người nghiện ma túy và tỷ lệ hộ nghèo cao, nạn phá rừng diễn ra ở nhiều nơi. Từ khi chương trình phủ xanh đất trống đồi núi trọc của Nhà nước được triển khai tại đây, người dân ở bản Hua Tạt đã tích cực tham gia trồng rừng; trong những năm gần đây, diện tích rừng thông đã được giao cho cộng đồng quản lý. Nhận thấy nhữnh tiềm năng sẵn có ở địa phương về thổ nhưỡng, văn hóa bản địa, quang cảnh rừng thông, một số người dân trong bản đã mạnh dạn phát triển nông nghiệp sạch và làm du lịch.
Điển hình như anh Tráng A Cao- một thành viên trong bản Hua Tạt đã mạnh dạn vận động các hộ dân tham gia HTX nông lâm nghiệp A Cao, ban đầu với 7 thành viên người H’Mông tham gia. Với khẩu hiệu “Gìn giữ thiên nhiên trong lành”, HTX đã nỗ lực tìm kiếm giải pháp canh tác bền vững và đưa những sản phẩm đảm bảo chất lượng ra thị trường.
HTX đã tổ chức liên kết với 30 hộ nông dân trồng rau và 15 hộ nông dân trồng cây có múi. Ngoài ra, một số thành viên của HTX đã phát triển các dịch vụ homestay để đón khách du lịch đến tham quan và trải nghiệm văn hóa, trải nghiệm nông nghiệp sạch và không gian rừng thông Hua Tạt. Hiện, số thành viên HTX đã tăng lên là 12 hộ gia đình người H’Mông với 20 ha trồng các loại cây ăn quả như: Cam Vinh, cam canh, quýt đường, hồng giòn, lê Tai Nung, bơ.
Đặc biệt, để bảo vệ tốt hơn cho môi trường và sức khỏe cộng đồng, một số diện tích trồng hồng giòn, bơ và Lê Tai Nung đang được anh Tráng A Cao- Giám đốc HTX chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ theo tiêu chuẩn PGS, từ đó mở ra hướng kinh doanh mới bền vững cho các thành viên của HTX.
Theo ước tính, bình quân mỗi năm HTX cung ứng ra thị trường khoảng 20 tấn hồng giòn, 10 tấn cà chua, 20 tấn cam Vinh, 10 tấn bưởi, 10 tấn cam canh, 30 tấn quýt đường, 30 tấn lê, 6 tấn dâu tây, 50 tấn rau bắp cải, 50 tấn đậu cove… Nhìn chung, các sản phẩm của HTX đều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, tạo được niềm tin của khách hàng, được một số đơn vị, doanh nghiệp liên kết bao tiêu sản phẩm. Sản phẩm của HTX đã được cấp tem truy xuất nguồn gốc và được các thương lái trong và ngoài tỉnh tìm đến thu mua do chất lượng sản phẩm được đảm bảo. Qua đó, HTX cũng đã tạo thêm nguồn thu nhập cho hơn 40 nông dân là thành viên liên kết của HTX.
Đến nay, HTX đã mở rộng sang lĩnh vực phát triển du lịch nông nghiệp nhờ sản xuất thân thiện với môi trường và các sản phẩm có tiếng, đẩy mạnh việc phát huy uy tín trên các phương tiện truyền thông của địa phương và quốc gia. Nhờ đó cũng giúp gia tăng thêm nguồn thu nhập cho các xã viên từ những nông trại trồng rau, cây ăn quả của HTX.
Có thể thấy, Chương trình FFF II được triển khai tại địa bàn tỉnh Sơn La đã luôn nhận được sự quan tâm và tạo điều kiện của Ban quản lý Chương trình FFF của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; sự phối hợp chặt chẽ của Hội ND các cấp, các sở ngành, chính quyền các huyện và các bên liên quan. Nhờ đó, Chương trình được triển khai đồng bộ, có sự phối hợp từ các nguồn lực, thực hiện các chính sách ở từng địa bàn cụ thể, phù hợp và thống nhất trong công tác tổ chức, chỉ đạo, bảo đảm thực hiện đúng tiến độ, kế hoạch hoạt động của dự án.
Cùng với đó, các chương trình đào tạo đã đáp ứng nhu cầu của các HTX, THT, nông dân làm rừng và trang trại, tập trung nâng cao năng lực, theo tiến trình, từng gia đoạn phát triển của các HTX, tổ chức sản xuất rừng và trang trại, khuyến khích sự tham gia của phụ nữ, thanh niên và người dân tộc thiểu số trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm lâm nông nghiệp, phát triển rừng bền vững, gia tăng giá trị từ rừng và cảnh quan rừng. Từ đó, đã nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững cho các thành viên và cộng đồng; đồng thời giúp các HTX, khai thác tiềm năng về dịch vụ văn hóa, xã hội của các THT, để cung cấp cho các thành viên và cộng đồng. Đội ngũ thúc đẩy viên được đào tạo đã nâng cao chất lượng tư vấn và cung cấp dịch vụ của Hội ND các cấp cho các HTX, hội viên, nông dân.
Các HTX, nhóm nông dân cũng dần hiểu được lợi ích làm việc theo nhóm, sự hợp tác, các thành viên cùng nhau góp vốn đầu tư kinh doanh, chế biến để tăng giá trị. Các HTX đã chủ động nghiên cứu, nắm thông tin thị trường, có nhiều thông tin thị trường tiêu thụ các sản phẩm của HTX, THT; hiểu biết hơn về kỹ thuật trồng, thu hoạch và chế biến gia tăng giá trị sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm và quản lý theo chuỗi sản phẩm, các HTX và nông dân làm rừng đã thể hiện được vai trò tích cực trong phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Năng lực và kỹ năng cán bộ các cấp Hội đang từng bước được nâng cao, từ đó sẽ cung cấp những dịch vụ tốt hơn cho các HTX cũng như hội viên, nông dân.