Đồng Nai: Đổi mới trong công tác kiểm tra, giám sát và phản biện xã hội
(Cổng ĐT HND) – Thời gian qua, công tác kiểm tra, giám sát trong toàn hệ thống Hội luôn được Ban Thường vụ Hội ND tỉnh quan tâm, tăng cường triển khai thực hiện. Nhờ đó, góp phần nâng cao hiệu quả và chất lượng hoạt động cũng như các phong trào của các cấp Hội trong tỉnh, nhất là ở cấp cơ sở.
Căn cứ vào chương trình công tác đã đề ra hàng năm, các cấp Hội chủ động xây dựng kế hoạch và tham mưu, tổ chức các cuộc kiểm tra, giám sát theo định kỳ. Ảnh minh họa
Hàng năm, Ủy ban Kiểm tra Hội ND tỉnh tham mưu cho Ban Thường vụ Hội ND tỉnh xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát để triển khai thực hiện. Đồng thời, chỉ đạo các cấp Hội trong tỉnh căn cứ vào điều kiện, tình hình thực tế của các địa phương để xây dựng kế hoạch, xin chủ trương cấp ủy thống nhất nội dung giám sát và triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác kiểm tra, giám sát theo đúng quy định.
Hội ND tỉnh cũng đã ban hành các quy định và hướng dẫn cụ thể về công tác kiểm tra, giám sát của Hội. Trên cơ sở đó, căn cứ vào chương trình công tác đã đề ra hàng năm, các cấp Hội chủ động xây dựng kế hoạch và tham mưu, tổ chức các cuộc kiểm tra, giám sát theo định kỳ.
Kết quả, các cấp Hội trong tỉnh đã triển khai thực hiện công tác kiểm tra, giám sát về công tác Hội và phong trào nông dân theo đúng qui định với 6.726 cuộc kiểm tra, giám sát được tổ chức tại 23.323 lượt đơn vị Hội. Trong đó, Hội ND tỉnh tổ chức 95 đợt kiểm tra, giám sát tại 74 lượt huyện, thành phố và 102 lượt cơ sở; Hội ND cấp huyện tổ chức 1.394 cuộc kiểm tra, giám sát tại 772 lượt cơ sở, 2.128 lượt chi Hội và 3.694 lượt tổ Hội; Hội ND cấp cơ sở đã tổ chức 5.237 cuộc kiểm tra, giám sát tại 3.187 lượt chi Hội và 11.823 lượt tổ Hội.
Hoạt động kiểm tra, giám sát được các cấp Hội tập trung chủ yếu vào những nội dung gồm: Thực hiện Điều lệ, Chỉ thị, Nghị quyết của Hội; triển khai thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu công tác Hội, phong trào thi đua; việc thực hiện 3 Nghị quyết của Ban Chấp hành Hội Nông dân Việt Nam khóa VII về xây dựng Hội vững mạnh; việc chấp hành thực hiện Quy định số 797-QĐ/HNDTW, ngày 29/7/2019 của Ban Chấp hành Trung ương Hội về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Hội Nông dân Việt Nam; công tác xây dựng và quản lý Quỹ HTND, quỹ Hội, quản lý nguồn vốn vay tín chấp với các ngân hàng trên địa bàn; các hoạt động dịch vụ hỗ trợ cho hội viên, nông dân…
Bên cạnh đó, các cấp Hội cũng tiến hành theo định kỳ hoạt động kiểm tra, giám sát đối với việc thực hiện công tác giám sát và phản biện xã hội; tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo Quyết định số 217, 218 của Bộ Chính trị; kiểm tra việc tham gia giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo của nông dân; giải quyết những vụ việc thuộc thẩm quyền của Hội; triển khai thực hiện Quyết định số 81/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác kiểm tra của huyện, thị, thành Hội đối với cơ sở Hội và chi, tổ Hội; thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở…
Hàng năm, công tác kiểm tra, giám sát không chỉ được các cấp Hội tiến hành thường xuyên mà còn được triển khai thông qua các đợt kiểm tra theo từng thời điểm, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế ở từng địa phương. Các cấp Hội còn cử thành viên tham gia vào các đoàn kiểm tra, giám sát liên ngành có liên quan. Qua đó, giúp nâng cao ý thức của cán bộ, hội viên, nông dân trong việc chấp hành các chủ trương, đường lối, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Đến nay, các cấp Hội trong tỉnh đã chủ trì tổ chức 13 cuộc giám sát cấp tỉnh; 126 cuộc giám sát cấp huyện và 362 cuộc giám sát cấp xã. Nội dung giám sát được tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực như: Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, nông dân; chức năng, nhiệm vụ của Hội; giám sát việc quản lý, sử dụng đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư, bảo vệ môi trường; giám sát vai trò tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên; giám sát việc triển khai chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất; việc quản lý, sử dụng đất nông nghiệp…
Đáng chú ý, các cấp Hội đã làm tốt công tác tham mưu và giữ vai trò nòng cốt trong việc nắm bắt dư luận xã hội nông dân, nông thôn. Kết quả, Hội ND cấp huyện đã chủ động tham mưu, phối hợp tổ chức 04 hội nghị đối thoại trực tiếp giữa đồng chí Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện với hội viên, nông dân; cử hội viên, nông dân tham gia 73 cuộc đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân. Hội ND cấp cơ sở cũng đã phối hợp tổ chức 50 cuộc đối thoại trực tiếp giữa Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã với hội viên, nông dân; đồng thời, tham gia 205 cuộc đối thoại giữa Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã với nhân dân trên địa bàn.
Ngoài ra, các cấp Hội phối hợp ngành Tư pháp, Thanh tra tổ chức các lớp bồi dưỡng về nghiệp vụ, kỹ năng tuyên truyền, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho đội ngũ cán bộ Hội làm công tác tư vấn, phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý; đặc biệt là thường xuyên quan tâm tới đội ngũ cộng tác viên, tuyên truyền viên pháp luật ở các cơ sở Hội và hội viên, nông dân.
Thông qua công tác kiểm tra, giám sát đã góp phần giúp các cấp Hội trong tỉnh kịp thời nắm bắt tình hình thực tiễn ở cơ sở, lắng nghe những nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất chính đáng của hội viên, nông dân. Từ đó, đề xuất với các cấp, các ngành đưa ra những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho hội viên, nông dân, có cơ chế, chính sách tạo điều kiện để hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất và ổn định cuộc sống. Nhờ đó, góp phần nâng cao hiệu quả công tác Hội và phong trào nông dân trên địa bàn tỉnh.