(Cổng ĐT HND) – Những năm qua, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh Nam Định luôn quan tâm, tăng cường việc triển khai thực hiện công tác kiểm tra, giám sát trong toàn hệ thống Hội. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả và chất lượng hoạt động của các cấp Hội ND, nhất là ở cấp cơ sở.
Qua kiểm tra, giám sát, các cấp Hội đã chủ động trong việc nắm bắt tình hình, sớm phát hiện được những khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong thực tiễn của hội viên, nông dân (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)
Năm 2024, căn cứ nội dung chỉ đạo của Trung ương Hội cũng như các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, chương trình phối hợp về công tác giám sát, Hội ND tỉnh cho ban hành các chương trình, kế hoạch và hướng dẫn cụ thể về công tác kiểm tra, giám sát của Hội. Theo đó, các cấp Hội tập trung triển khai việc củng cố, phân công cán bộ chuyên trách làm công tác kiểm tra.
Bên cạnh đó, Hội ND tỉnh đăng ký nội dung giám sát năm 2024 với Tỉnh ủy, chỉ đạo Hội ND các huyện, thành phố lựa chọn nội dung giám sát để đăng ký với các huyện, thành ủy; đồng thời báo cáo về Ban Thường vụ Hội ND tỉnh chuyên đề giám sát theo quy định. Kết quả, thực hiện chương trình kiểm tra, giám sát, trong năm, các cấp Hội đã tổ chức 489 cuộc kiểm tra thường xuyên và định kỳ ở 09 huyện, thành Hội; 157 cơ sở Hội và 1.295 chi Hội.
Công tác kiểm tra tập trung vào các nội dung cụ thể như: Tổ chức triển khai, thực hiện Nghị quyết Đại hội Hội ND các cấp; Điều lệ Hội; kết quả thực hiện công tác xây dựng tổ chức Hội vững mạnh; quy định công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Hội; Nghị quyết của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Hội ND các cấp; việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác Hội và phong trào nông dân năm 2024…
Qua kiểm tra, giám sát, các cấp Hội đã chủ động trong việc nắm bắt tình hình, sớm phát hiện được những khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong thực tiễn. Cùng với đó, các cấp Hội còn ghi nhận những đề xuất, kiến nghị của hội viên, nông dân để có biện pháp giải quyết, kịp thời tháo gỡ, điều chỉnh nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động công tác Hội. Các cấp Hội cũng thường xuyên động viên, khích lệ, phát huy các nhân tố mới, tích cực và nhân rộng các điển hình tiên tiến.
Đáng chú ý, thực hiện Kế hoạch số 114/KH-UBND, ngày 08/8/2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh về triển khai thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của tỉnh, các cấp Hội đã chủ động làm việc với cấp ủy ở những đơn vị sáp nhập để thống nhất phương án nhân sự lãnh đạo Hội. Mặt khác, chỉ đạo công tác thống kê tài liệu, kiểm tra sổ sách, cơ sở vật chất, trang thiết bị và các công việc khác để bàn giao... Kết quả, sau khi sáp nhập đã giảm 39 cơ sở Hội và 01 Hội ND cấp huyện.
Đến nay, toàn tỉnh còn 170 cơ sở Hội và 9 Hội ND cấp huyện. Hội ND các huyện, thành phố cũng đã hoàn thành việc công bố quyết định thành lập các tổ chức cơ sở Hội mới tại các đơn vị thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính. Hiện, các đơn vị hoàn thành xong công tác bàn giao tài liệu sổ sách có liên quan; tổ chức hội nghị Ban Chấp hành phiên thứ nhất để kịp thời thông qua quy chế làm việc; phân công nhiệm vụ và chương trình công tác... Trên cơ sở đó, nhằm đảm bảo hoạt động công tác Hội các cấp được duy trì ổn định.
Trong năm, các cấp Hội tiếp tục quan tâm đổi mới cả về nội dung và hình thức sinh hoạt của các chi, tổ Hội theo hướng thiết thực, hiệu quả gắn với hoạt động sản xuất cũng như đời sống của hội viên, nông dân. Qua đó, các cấp Hội tiếp tục tập hợp, thu hút hội viên, nông dân đăng ký tham gia vào tổ chức Hội.
Hàng năm, các cấp Hội cũng luôn chú trọng tới việc kiểm tra công tác phát triển và nâng cao chất lượng hội viên, việc xây dựng và sử dụng quỹ Hội, Hội phí… Kết quả, năm 2024, toàn tỉnh đã kết nạp mới 2.401 hội viên, đạt 120,05% chỉ tiêu được Trung ương Hội giao; nâng tổng số hội viên, nông dân trong toàn tỉnh đến nay có 307.309 hội viên, đạt 80,87% so với hộ nông thôn.
Mặt khác, công tác quản lý hội viên đã được các cấp Hội chú trọng, thực hiện ngày càng chặt chẽ và khoa học hơn. Các cấp Hội phối hợp cùng với ngành Công an thực hiện việc rà soát, đối chiếu số liệu hội viên để thống nhất, cập nhật vào hệ thống phần mềm Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Công tác xây dựng quỹ Hội đã được các cấp Hội tập trung chỉ đạo. Đến nay, 100% cơ sở, chi Hội đều có quỹ với tổng số tiền trên 40,57 tỷ đồng, bình quân quỹ Hội đạt 115.000 đồng/hội viên. Việc sử dụng nguồn quỹ Hội luôn bảo đảm tính công khai, minh bạch, đúng mục đích.
Bên cạnh đó, các cấp Hội cũng đã phối hợp, tiến hành kiểm tra, giám sát thường xuyên việc thực hiện nghiệp vụ Quỹ Hỗ trợ nông dân và hoạt động ủy thác từ ngân hàng Chính sách xã hội đối với 411 Tổ TK&VV, tổ chức đối chiếu dư nợ tại 2.084 hộ vay vốn. Qua kết quả kiểm tra cho thấy, nhìn chung các đơn vị đã triển khai thực hiện các hoạt động theo quy định của Điều lệ Quỹ Hỗ trợ nông dân và hoạt động nhận ủy thác theo đúng các nội dung phối hợp với ngân hàng Chính sách xã hội trong các công đoạn nhận ủy thác nguồn vốn.
Tính đến nay, tổng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp trong tỉnh đang quản lý trên 38,49 tỷ đồng, đang triển khai thực hiện 315 dự án với 1.525 hộ hội viên, nông dân vay vốn. Trong đó, nguồn vốn ủy thác 15,9 tỷ đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương đang triển khai cho 333 hộ hội viên, nông dân tham gia vay vốn tại 30 dự án; nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh quản lý 4,6 tỷ đồng đang triển khai tại 13 dự án sản xuất, kinh doanh với 103 hộ hội viên vay vốn. Nhìn chung, việc quản lý và sử dụng nguồn vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp để xây dựng các mô hình phát triển kinh tế tại các địa phương đều đảm bảo thực hiện đúng mục đích và mang lại hiệu quả thiết thực.
Thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HNDTW ngày 05/8/2019 của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khóa VII “về đẩy mạnh xây dựng chi Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp”, trong năm, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh tập trung chỉ đạo các cấp Hội tiếp tục xây dựng mới các mô hình chi Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp.
Trong năm 2024, các cấp Hội đã hướng dẫn thành lập và ra mắt 15 mô hình chi Hội Nông dân nghề nghiệp và 42 tổ Hội Nông dân nghề nghiệp. Đến nay, tổng số mô hình chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp trong toàn tỉnh đã được nâng lên thành 200 mô hình, với trên 2.600 thành viên tham gia. Nhiều mô hình hoạt động có hiệu quả, là tiền đề cho việc thành lập các tổ hợp tác, Hợp tác xã, góp phần phát triển các mô hình kinh tế hợp tác tại nhiều địa phương trong tỉnh.
Thời gian tới, các cấp Hội tiếp tục triển khai công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng trong cán bộ, hội viên, nông dân; tăng cường phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội giám sát việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội của từng cán bộ, hội viên, nông dân; phát huy quyền làm chủ của công dân, đảm bảo về quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, nông dân nhằm thực hiện tốt Quy chế dân chủ, góp phần tăng cường sự đồng thuận ở cơ sở.