image banner
Bắc Ninh: 399.753 lượt hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp
Lượt xem: 3293
(Cổng ĐT HND) – Những năm qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững luôn được Hội Nông dân các cấp trong tỉnh tổ chức thực hiện hiệu quả.
Anh-tin-bai

 Phong trào tạo điều kiện để nông dân tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật và ứng dụng vào sản xuất, góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, cơ cấu ngành nghề, phát triển kinh tế trang trại ở nông thôn

 

Các cấp Hội thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của phong trào; phổ biến Quy định của Trung ương Hội, đưa các nội dung tuyên truyền về phong trào vào các buổi sinh hoạt định kỳ của chi, tổ Hội…Công tác bình xét danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi được Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh chỉ đạo các cấp Hội thực hiện nghiêm theo Quy định của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam gắn với Quyết định số 367/QĐ-UBND ngày 26/7/2017 của UBND tỉnh Bắc Ninh về việc ban hành bộ tiêu chí xã nông thôn mới tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2017 - 2020. Kết quả bình xét trong nhiệm kỳ, toàn tỉnh có 399.753 lượt hộ đạt danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp.

 

Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức Hội nghị Tổng kết phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, giai đoạn 2016 - 2021 và Tôn vinh sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu tỉnh Bắc Ninh lần thứ nhất; tại hội nghị đã có 15 nông dân sản xuất kinh doanh giỏi được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen, 33 sản phẩm được tôn vinh là sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh.

 

Hằng năm, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đề cử nông dân tiêu biểu tham gia bình chọn danh hiệu“Nông dân Việt Nam xuất sắc”, “Nhà khoa học của nhà nông”, sản phẩm nông nghiệp tham gia bình chọn“Sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu”, HTX nông nghiệp tham gia bình chọn “HTX tiêu biểu toàn quốc” do Trung ương Hội tổ chức. Trong nhiệm kỳ đã có 06 nông dân của tỉnh được nhận danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc”, 04 nông dân được trao tặng danh hiệu “Nhà khoa học của nhà nông”, 01 HTX được công nhận danh hiệu “HTX tiêu biểu toàn quốc” .

 

Phong trào đã giúp hội viên, nông dân nghèo ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế. Trong nhiệm kỳ, toàn tỉnh đã vận động được 48,7 tỷ đồng, đóng góp 15.583 ngày công lao động, hỗ trợ cây con giống trị giá 4,3 tỷ đồng... trực tiếp giúp đỡ 988 hộ hội viên, nông dân nghèo vươn lên thoát nghèo ổn định cuộc sống. Phong trào tạo điều kiện để nông dân tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật và ứng dụng vào sản xuất, góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, cơ cấu ngành nghề, phát triển kinh tế trang trại ở nông thôn, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế trên 1 đơn vị diện tích canh tác; đã xuất hiện nhiều gương điển hình mạnh dạn đầu tư vốn, KHKT để tổ chức sản xuất có hiệu quả kinh tế cao.

 

Tiêu biểu như: H.ộ gia đình ông Nguyễn Văn Linh (xã Cao Đức, huyện Gia Bình) với mô hình sản xuất theo công nghệ tự động với diện tích trên 40ha, tạo việc làm cho 50 lao động thường xuyên, 100-150 lao động mùa vụ, giúp đỡ về giống và vốn cho 25 hộ nông dân, hàng năm cho thu lãi trên 1 tỷ đồng; hộ gia đình bà Nguyễn Thị Trâm (xã Minh Tân, huyện Lương Tài) với diện tích 15ha và liên kết 06 ha với mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi giá trị sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGap, tạo việc làm cho 40 lao động, thu lãi 1,2 tỷ đồng/năm; hộ gia đình ông Nguyễn Văn Giang (xã Yên Trung, huyện Yên Phong) với mô hình trồng khoai tây, cho thu lãi trên 1,4 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho 12 lao động; hộ gia đình bà Nguyễn Thị Dư (xã Hoài Thượng, TX.Thuận Thành) với mô hình VAC tổng hợp thu lãi trên 2,2 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho trên 5 lao động; hộ gia đình ông Trần Văn Tường (phường Trang Hạ, thành phố Từ Sơn) với mô hình sản xuất, mua bán giống, thịt gia cầm cho thu lãi từ 2 - 3 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho 15 lao động; hộ gia đình bà Nguyễn Thị Quyên (xã Đại Đồng Thành, TX.Thuận Thành) với mô hình chăn nuôi lợn kết hợp VAC tổng hợp cho thu lãi trên 2 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho 20 lao động; hộ gia đình ông Vũ Văn Chiến (xã Đức Long, TX. Quế Võ) với mô hình nuôi cá lồng trên sông Đuống cho thu nhập lãi gần 1 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 08 lao động; hộ gia đình ông Nguyễn Văn Sơn, ông Nguyễn Đức Triệu (xã Yên Giả, TX Quế Võ) với mô hình VAC tổng hợp cho thu nhập lãi trên 500 triệu đồng/năm thường xuyên tạo việc làm cho 05-07 lao động.

 

Thông qua các mô hình, thu nhập và đời sống của nông dân từng bước được cải thiện, số hộ có kinh tế khá và giàu tăng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm. Bên cạnh đó, các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, dịch vụ, đào tạo nghề cho nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh được các cấp Hội chú trọng thực hiện. Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh tham mưu đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kết luận số 41-KL/TU ngày 04/12/2020 về chủ trương lãnh đạo nâng cao hiệu quả và hoạt động Quỹ HTND, giai đoạn 2021-2030 và tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 335/QĐ-UBND ngày 27/9/2021 về việc phê duyệt Đề án “Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động và phát triển Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2021-2030”.

 

Theo Đề án, hàng năm UBND tỉnh cấp từ nguồn ngân sách bổ sung từ 10 tỷ đồng trở lên và UBND cấp huyện cấp bổ sung cho Quỹ Hỗ trợ nông dân cùng cấp từ 300 triệu đồng trở lên. Trong nhiệm kỳ, tăng trưởng nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh đạt 67,267 tỷ đồng. Đến nay, tổng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân toàn tỉnh là 114,386.764 tỷ đồng. Nguồn vốn hiện đang giải ngân cho 1.750 hộ nông dân vay để đầu tư phát triển sản xuất; giải quyết việc làm cho gần 5.300 hội viên. Ban Thường vụ Hội Nông dân các cấp đã chủ động phối hợp với Ngân hàng CSXH, ngân hàng Nông nghiệp &PTNT, ngân hàng Sacombank ký kết thỏa thuận liên ngành. Hiện, tổng số tiền dư nợ tại các ngân hàng do Hội Nông dân các cấp quản lý là trên 986,485 tỷ đồng cho 22.598 lượt hộ vay.

 

Ngoài ra, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo Hội Nông dân các huyện, thị xã, thành phố và Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân, hằng năm chủ động phối hợp với các ngành liên quan thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

 

Kết quả, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân trực tiếp tổ chức tuyển sinh và đào tạo 40 lớp nghề trình độ sơ cấp cho 1.376 lao động nông thôn. Các cấp Hội phối hợp với các tổ chức khác tuyển sinh được 175 lớp đào tạo nghề cho 5.553 lao động nông thôn. Sau học nghề, học viên tích cực ứng dụng kiến thức vào lao động sản xuất, chủ động thay đổi phương pháp sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Tỷ lệ học viên có việc làm sau đào tạo đạt trên 81%. Nhiều học viên mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, có nguồn thu ổn định, góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình. Tiêu biểu là thành lập các tổ, nhóm làm dịch vụ nấu cỗ tại phường Thị Cầu, phường Võ Cường (TP. Bắc Ninh), xã Ngọc Xá (TX. Quế Võ); tổ làm mây tre đan xuất khẩu ở xã Mộ Đạo (TX. Quế Võ) và xã Lạc Vệ (huyện Tiên Du); mô hình may công nghiệp ở phường Tương Giang (TP.Từ Sơn); nuôi trồng thủy sản ở phường Thanh Khương (TX.Thuận Thành); cửa hàng ăn uống (huyện Yên phong)…

 

Đồng thời, Hội còn tăng cường phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp trong công tác tư vấn, hỗ trợ nông dân đi làm việc có thời hạn tại nước ngoài (Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Úc); tổ chức tuyên truyền, tư vấn cho 10.550 lượt hội viên, nông dân. Phối hợp với Trường Quốc tế Đông Dương (ICI) tuyển sinh và đào tạo hệ Trung cấp, cấp chứng chỉ chuyên ngành tiếng Hàn, Nhật, tiếng Anh, tiếng Việt và văn hoá Việt Nam.

 

Nhằm hỗ trợ hội viên, nông dân tiếp cận tiến bộ khoa học công nghệ và các dịch vụ nông nghiệp, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh phối hợp với các công ty, doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động tư vấn, hỗ trợ nông dân trong sản xuất; cung ứng máy móc và vật tư nông nghiệp các loại. Kết quả đã thực hiện cung ứng trả chậm trên hàng nghìn tấn phân bón, chế phẩm sinh học và 84 máy nông nghiệp cho nông dân. Ban Thường vụ HND tỉnh phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ xây dựng và triển khai thành công Dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình liên kết sản xuất với tiêu thụ rau an toàn theo hướng VietGap”; phối hợp với Ban Đối ngoại và Hợp tác quốc tế Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức thực hiện Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường tại tỉnh Bắc Ninh”.

 

Hội Nông dân các cấp phối hợp tổ chức đ­ược 2.525 lớp tập huấn chuyển giao KHKT cho 207.666 lượt hội viên, nông dân. Hỗ trợ nông dân xây dựng 491 mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và xử lý rơm rạ. Nhằm hỗ trợ hội viên, nông dân quảng bá và tiêu thụ sản phẩm, các cấp Hội thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; tiếp tục duy trì hoạt động của “Cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm nông nghiệp an toàn” tại Trụ sở Cơ quan Hội Nông dân tỉnh. BTV Hội Nông dân tỉnh chỉ đạo Trung tâm Dạy nghề & HTND tổ chức toạ đàm về xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản và Hội thảo khoa học: “Nâng cao hiệu quả và chất lượng chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh”; tổ chức 03 chợ phiên sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, sản phẩm OCOP (với 52 gian hàng); tham gia trưng bày sản phẩm nông nghiệp tại 19 hội chợ, triển lãm sản phẩm nông nghiệp trong và ngoài tỉnh.

 

Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Bưu điện tỉnh tổ chức Hội nghị ký kết và triển khai Kế hoạch phối hợp, hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản hàng hóa; tiến hành rà soát, hỗ trợ 4.067 hộ đăng ký tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử POSTMART; tập huấn, hướng dẫn phương thức bán hàng trên sàn thương mại điện tử cho 800 hội viên, nông dân.

 

Trung tâm Dạy nghề & HTND tỉnh triển khai chương trình hỗ trợ 09 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, HTX đăng ký 19 sản phẩm trên sàn thương mại điện tử Postmart; hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho 13 sản phẩm nông sản; hỗ trợ các đơn vị, cá nhân thủ tục tham gia chương trình OCOP, có 29 sản phẩm được công nhận 03 sao và 04 sao; hỗ trợ hoàn thiện hồ sơ thành lập 01 cửa hàng thực phẩm an toàn.

 

Thời gian tới, các cấp Hội tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào; tăng cường xây dựng mô hình hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp; gắn phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh với việc nâng cao chất lượng sản phẩm và chế biến, tiêu thụ nông sản theo hướng hàng hoá, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường góp phần thực hiện có hiệu quả Đề án “Bắc Ninh phấn đấu không còn thực phẩm không an toàn”; tạo ra các sản phẩm có khả năng cạnh tranh trên thị trường và hội nhập quốc tế; đẩy mạnh các hoạt động giúp đỡ, hỗ trợ các hộ nghèo, hộ khó khăn về kỹ thuật, giống, vốn, vật tư nông nghiệp và kinh nghiệm sản xuất để bà con ổn định cuộc sống và vươn lên làm giàu.

 

 

Tú Tiến
Tin cùng chuyên mục
1 2 3 4 5  ... 
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1