Hội Nông dân tỉnh Lai Châu: Vận động nông dân thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và bảo vệ môi trường
(Cổng ĐT HND) – Thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh Lai Châu tích cực thực hiện phong trào “Lai Châu chung sức xây dựng nông thôn mới”; Phong trào thi đua “Dân vận khéo” thực hiện “Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới”.
Hội Nông dân các cấp đã tập trung vận động hội viên, nông dân huy động nội lực với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” hiến 432.441 m2 đất để xây dựng các công trình phúc lợi và làm đường giao thông nông thôn
Trong nhiệm kỳ, có 586 tập thể, 312 cá nhân đăng ký mô hình “Dân vận khéo” tham gia xây dựng nông thôn mới; cung cấp sổ tay, tài liệu tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới cho 100% các cơ sở Hội với tổng số 5.201 quyển; 4.023 tờ rơi; tổ chức 10 hội nghị tập huấn, quán triệt các văn bản của Trung ương, của tỉnh về xây dựng nông thôn mới cho 550 người.
Các cấp Hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, vận động hội viên, nông dân trong toàn tỉnh phát huy vai trò chủ thể trong xây dựng nông thôn mới; tích cực tham gia thực hiện các tiêu chí.
Đến nay, Hội Nông dân các cấp đã tập trung vận động hội viên, nông dân huy động nội lực với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” đã hiến 432.441 m2 đất, đóng góp 149.050 ngày công lao động và 3.651 triệu đồng để xây dựng các công trình phúc lợi và làm đường giao thông nông thôn; tu sửa làm mới 306,1 km đường giao thông, 156 km kênh mương; sửa chữa, làm mới được 6 cây cầu…
Công tác bảo vệ môi trường nông thôn và an toàn thực phẩm (tiêu chí số 17) được Hội quan tâm tuyên truyền, tập huấn, vận động hội viên, nông dân tham gia bảo vệ môi trường nông thôn bằng các hành động thiết thực. Hằng năm, Hội còn tổ chức cho hội viên, nông dân ký cam kết sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, đến nay có 56.034 hội viên ký cam kết đạt tỷ lệ 81%.
Hội triển khai các nội dung của Chương trình phối hợp giữa Hội Nông dân tỉnh với Sở Tài nguyên và Môi trường về thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 - 2023 với trọng tâm là tuyên truyền, vận động cộng đồng tham gia thu gom, phân loại, xử lý chất thải rắn sinh hoạt nông thôn, nước thải sinh hoạt, xử lý chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp, xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn xanh, sạch, đẹp.
Hội đã triển khai 11 mô hình, dự án bảo vệ môi trường như: Dự án “Cánh đồng không vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật” tại xã Mường So, huyện Phong Thổ; dự án “Xây dựng mô hình thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa trong hoạt động sản xuất nông nghiệp và cộng đồng dân cư” tại xã Pa Khóa, huyện Sìn Hồ; mô hình “Ứng dụng chế phẩm vi sinh vật trong nuôi gà Mông (gà đen) theo hướng an toàn sinh học tại xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ; mô hình “Ứng dụng chế phẩm vi sinh vật trong nuôi lợn thịt siêu nạc theo hướng an toàn sinh học” tại xã Bình Lư, huyện Tam Đường; mô hình điểm Hội Nông dân xây dựng mô hình chuồng trại chăn nuôi bảo vệ môi trường nông thôn tại xã Xà Dề Phìn, huyện Sìn Hồ; mô hình điểm “Vùng chè không vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật” tại thị trấn Tân Uyên, huyện Tân Uyên; dự án “Hỗ trợ xây dựng chuồng trại chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn” tại xã Mường So, huyện Phong Thổ; 02 dự án “Tăng cường tiếng nói và năng lực cho người nông dân thiểu số dễ bị tổn thương ứng phó với biến đổi khí hậu Tây Bắc Việt Nam (VOF)” tại bản Nà Cà, xã Bình Lư - Tam Đường và bản Hợp 1, Bản Lang, huyện Phong Thổ; 02 mô hình nuôi lợn đen và lợn lai đảm bảo vệ sinh môi trường tại bản Đông Pao II, Bản Hon, huyện Tam Đường.
Thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, Hội tiếp tục triển khai 5 nội dung cuộc vận động đã ký cam kết với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh.
Trong nhiệm kỳ, Hội Nông dân các cấp đã tích cực tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân thực hiện chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình; thực hiện nếp sống mới trong việc cưới, việc tang; phối hợp tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao, các lễ hội truyền thống của dân tộc.
Hội Nông dân các huyện, thành phố phối hợp với các đơn vị tổ chức hướng dẫn các gia đình hội viên, nông dân đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Bản văn hóa”... Đến nay, có 63.058 hộ nông dân đăng ký và 62.406 hộ nông dân đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”.
Hằng năm, tổ chức tuyên truyền vận động cán bộ, hội viên nông dân tham gia hưởng ứng chiến dịch Ngày Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân (Ngày 02/7) góp phần thay đổi thói quen, tập quán vệ sinh lạc hậu, thực hiện các hành vi vệ sinh có lợi cho sức khỏe. Đến nay, có 39 xã đạt tiêu chí vệ sinh toàn xã, số hộ gia đình sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh là 64.291/99.135 hộ (đạt tỷ lệ 64,9%). Hỗ trợ duy trì hoạt động của 43 Câu lạc bộ “Nông dân thực hiện kế hoạch hóa gia đình”.
Công tác bảo đảm an toàn giao thông được Hội chú trọng thực hiện thông qua việc ký chương trình phối hợp với Ban An toàn Giao thông tỉnh, tổ chức 3.481 buổi tuyên truyền về an toàn giao thông đường bộ, đường thủy cho 184.087 lượt hội viên nông dân, nhất là hội viên nông dân ở các vùng lòng hồ thủy điện trên địa bàn tỉnh; cán bộ, hội viên nông dân tích cực tham gia hưởng ứng các cuộc thi, lễ ra quân, diễu hành, cổ động; vận động hội viên, nông dân và gia đình ký cam kết chấp hành luật giao thông.
Thời gian tới, các cấp Hội xây dựng kế hoạch thực hiện các tiêu chí nông thôn mới, đô thị văn minh; vận động cho hội viên, nông dân thực hiện các tiêu chí nhà ở dân cư, môi trường, giao thông, hộ nghèo; xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Bản văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”; tuyên truyền, vận động nông dân nâng cao kiến thức và thực hiện bảo vệ môi trường nông thôn thích ứng với biến đổi khí hậu; hằng năm ban hành kế hoạch tổ chức cho hội viên, nông dân ký cam kết sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn; triển khai các mô hình, dự án về bảo vệ môi trường; vận động hội viên, nông dân tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tự nguyện; bảo đảm an toàn giao thông, an toàn lao động…