(Cổng ĐT HND) - Những năm qua, xác định công tác tuyên truyền, vận động đóng vai trò rất quan trọng trong công tác phòng chống lao, Ban Thường vụ Hội ND thành phố Cần Thơ đã chỉ đạo các cấp Hội tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, nông dân và nhân dân nâng cao hiểu biết về bệnh lao. Từ đó, giúp cho bản thân mỗi người tự chủ động hơn trong việc phát hiện, phòng chống bệnh lao cho chính mình cũng như cho mọi người trong cộng đồng.
Các cấp Hội phối hợp cùng với các ngành chức năng trên địa bàn tăng cường việc vận động, đẩy mạnh xã hội hóa trong công tác phòng chống lao, tổ chức nhiều Hội nghị truyền thông để nâng cao nhận thức cho hội viên, nông dân biết cách phòng và điều trị bệnh
Hàng năm, các cấp Hội còn chủ động kết hợp tốt công tác phòng chống lao với các công tác khác như: Phòng chống thuốc lá; phòng chống HIV/AIDS… Từ việc phải làm sao để thay đổi trong nhận thức của hội viên, nông dân và người dân trên địa bàn, có sự hiểu biết về một số dấu hiệu nhận biết của bệnh lao nhằm biết cách phòng, chống căn bệnh này. Đồng thời, thông qua việc khám sàng lọc còn giúp kịp thời phát hiện và điều trị sớm bệnh lao để mang lại hiệu quả cao nhất, hạn chế việc lây nhiễm cho gia đình và cộng đồng.
Đến nay, toàn thành phố đang có 80.173 hội viên, nông dân sinh hoạt, chiếm 87,64% so với tổng số hộ nông nghiệp. Được sự hỗ trợ của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam thực hiện dự án Quỹ Toàn cầu phòng chống lao giai đoạn 2021 - 2023, Tổ chống lao Hội ND thành phố đã có nhiều đóng góp hết sức quan trọng đối với các hoạt động phòng chống lao trên địa bàn thành phố.
Hiện, Tổ chống lao Hội ND thành phố đang duy trì hoạt động của 2 mô hình “Nông dân phòng, chống lao” và “Quản lý lao tiềm ẩn cấp xã, phường”, đang được triển khai thực hiện ở 4 đơn vị Hội ND cấp huyện trên địa bàn thành phố, gồm các quận: Thốt Nốt, Ô Môn, Cái Răng, huyện Phong Điền.
Theo đó, 4 đơn vị Hội ND tham gia dự án đã xây dựng được 30 mô hình quản lý cấp xã, phường, với tổng số 43 thành viên tham gia sinh hoạt. Hàng quý, các mô hình này đều tổ chức sinh hoạt định kỳ, có sự tham dự của đại diện Tổ phòng chống lao thành phố cùng với ngành y tế nhằm kịp thời cung cấp, trao đổi thông tin về tình hình bệnh lao tại các địa phương.
Các cấp Hội phối hợp cùng với các ngành chức năng trên địa bàn tăng cường việc vận động, đẩy mạnh xã hội hóa trong công tác phòng chống lao. Nhiều hình thức truyền thông giáo dục sức khỏe về bệnh lao đã được phối hợp triển khai thực hiện trong toàn dân như: Tổ chức các buổi truyền thông trực tiếp về kiến thức phòng bệnh thông qua các cuộc họp chi Hội; treo biểu ngữ qua các đợt phát động phòng chống lao; phát tờ rơi, treo áp phích tuyên truyền tại những nơi đông người…
Ngay từ đầu năm 2023, hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống Lao (24/3), Tổ phòng chống Lao- Hội Nông dân thành phố đã ban hành công văn số 1252 chỉ đạo Hội ND các huyện, thành phố và các quận, huyện làm điểm tập trung và tăng cường hoạt động truyền thông bằng nhiều hình thức đến tận các thôn, xóm trên địa bàn. Bên cạnh đó, các cấp Hội phối hợp tổ chức treo 22 băng- rôn trên các tuyến đường chính vào các trụ sở hành chính của các quận, huyện, thành phố; phối hợp với Đài truyền thanh tổ chức 30 lượt phát sóng tuyên truyền trên địa bàn toàn thành phố.
Các cấp Hội đã chủ động phối hợp với ngành y tế, Bệnh viện Phổi, Chương trình chống lao ở địa phương triển khai việc tuyền truyền, cấp phát được 1.850 tờ rơi về bệnh lao tiềm ẩn cho 1.850 lượt người. Ngoài ra còn tổ chức hướng dẫn xây dựng mô hình “Nông dân phát hiện lao sớm”; cấp phát Sổ tay hướng dẫn sàng lọc, chuẩn đoán và quản lý điều trị Lao tiềm ẩn…
Tổ phòng chống Lao- Hội Nông dân thành phố đã phối hợp tổ chức tập huấn được 02 lớp truyền thông trực tiếp tại cộng đồng, với 50 đại biểu là cán bộ, hội viên, nông dân trên địa bàn quận Thốt Nốt và huyện Phong Điền tham dự.
Nội dung các buổi tập huấn, truyền thông tập trung chủ yếu như: Tình hình bệnh lao trên thế giới; tình hình bệnh lao ở Việt Nam và của thành phố; những thông tin cần biết về bệnh lao; thông tin cần biết về lao tiềm ẩn… Qua đó, 100% đại biểu tham dự đều được tiếp cận các nội dung và trang bị thêm kiến thức, có khả năng tốt trong công tác tuyên truyền, vận động ở cơ sở.
Các đại biểu tham dự những buổi tuyên truyền, tập huấn đều được tiếp cận các nội dung và trang bị thêm kiến thức, có khả năng tốt trong công tác tuyên truyền, vận động phòng chống lao ở cơ sở
Cùng với đó, Ban chỉ đạo mô hình cùng các thành viên phối hợp với ngành y tế ở địa phương đến thăm bệnh nhân tại nhà, vận động các đối tượng lao tiềm ẩn đi khám sàng lọc nhằm phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Trong năm, các cấp Hội đã phối hợp với ngành y tế tổ chức được 02 cuộc khám sàng lọc lao, lao tiềm ẩn, HIV, Covid…, có hơn 2.000 người tham gia thăm khám tạị địa bàn các huyện Phong Điền và Ô Môn.
Các cấp Hội thường xuyên thăm hỏi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, hội viên, nông dân; phối hợp tổ chức tư vấn, hỗ trợ cho gia đình những bệnh nhân mắc lao, lao tiềm ẩn sớm khôi phục sản xuất, ổn định đời sống. Đồng thời, tuyên truyền cán bộ, hội viên, nông dân và nhân dân không kỳ thị, xa lánh người bị bệnh lao; tuyên truyền cho hội viên, nông dân hiểu bệnh lao sẽ điều trị khỏi nếu phát hiện ra bệnh sớm và điều trị đúng theo phác đồ.
Kết quả, các cấp Hội phối hợp với ngành y tế phát hiện 132 trường hợp mắc lao mới, giảm so với hàng năm; tổ chức tư vấn các thông tin, kiến thức về phòng chống lao cho 611 người; vận động 417 người nghi mắc lao đi khám. Bên cạnh đó, các cấp Hội đã tổ chức đi thăm 260 lượt bệnh nhân và người nghi mắc lao; có 172 bệnh nhân được cán bộ Hội, hội viên, nông dân theo dõi hỗ trợ điều trị.
Đến nay, toàn thành phố đã điều trị thành công được 120 bệnh nhân lao tiềm ẩn khỏi bệnh. Tỷ lệ điều trị thành công đối với Lao các thể là 90%, đạt theo đúng mục tiêu đề ra của chương trình chống Lao thành phố.
Đáng chú ý, để thực hiện tốt các hoạt động của mô hình phòng chống lao, Hội ND thành phố đã tích cực phối hợp với các Ngân hàng trên địa bàn bảo lãnh tín chấp cho các hộ nghèo, cận nghèo và tổ chức giải ngân từ nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân để giúp hội viên, nông dân được tiếp thêm nguồn lực, đầu tư cho sản xuất để phát triển kinh tế gia đình. Thực hiện tinh thần tương trợ, giúp nhau phát triển kinh tế hộ gia đình, các cấp Hội đã phối hợp hỗ trợ được 2.709 tấn phân bón, tổ chức cung ứng vật tư nông nghiệp trả chậm. Các quận, huyện và cơ sở Hội đã tổ chức vận động kinh phí xây dựng và đưa vào sử dụng 12 căn nhà “Mái ấm nông dân” trị giá 1,25 tỷ đồng.
Có thể thấy, từ khi triển khai thực hiện dự án, mô hình phòng chống lao tại các địa phương cho thấy: Số bệnh nhân lao đang chủ động điều trị tại nhà nhiều hơn; bệnh nhân mắc bệnh lao hiểu được những kiến thức về phòng chống bệnh lao, tích cực điều trị theo phác đồ do ngành Y tế hướng dẫn. Đến nay, mọi người không còn mặc cảm, kỳ thị với bệnh lao, chủ động tiếp cận sử dụng dịch vụ khám, phát hiện, chẩn đoán, điều trị bệnh lao do ngành Y tế cung cấp; bản thân người mắc bệnh cũng như người nhà đã trở thành những tuyên truyền viên tích cực để giúp mọi người dân hiểu và chủ động hơn trong công tác phòng, chống bệnh lao.