image banner
Phát huy hiệu quả các mô hình “Nông dân phòng chống lao”
Lượt xem: 77
(Cổng ĐT HND) – Bệnh lao là một bệnh truyền nhiễm, nguyên nhân phát bệnh do vi trùng lao gây nên. Đáng lo ngại hơn khi bệnh lao lại tiến triển âm thầm trong cơ thể người nhiễm bệnh và thường chỉ được phát hiện ra khi đã muộn. Do đó, từ khi phát bệnh cho đến khi tử vong thì người nhiễm bệnh lao đã có nguy cơ lây lan sang rất nhiều người khác trong cộng đồng.

 

Anh-tin-bai

Công tác phối hợp giữa Hội ND với ngành Y tế, Chương trình chống lao diễn ra thường xuyên và liên tục, giúp mang lại những hiệu quả thiết thực trong công tác phòng chống lao, nhất là ở cấp cơ sở

 

Hàng năm, công tác triển khai các hoạt động thuộc Dự án phòng chống lao của Ban quản lý Dự án- Trung ương Hội NDVN tới Hội ND các tỉnh, thành phố luôn nhận được sự đồng thuận cao của các cấp Hội, sự ủng hộ của các cấp chính quyền địa phương, cũng như sự nhiệt tình hưởng ứng của đông đảo cán bộ, hội viên, nông dân và toàn thể xã hội sẵn sàng vào cuộc.

 

Nhận thấy vai trò và tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, vận động, thời gian qua, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (Hội NDVN) đã tập trung chỉ đạo Hội ND các tỉnh, thành phố tích cực phối hợp với ngành Y tế, các phòng, đơn vị chức năng liên quan trên địa bàn tổ chức các hoạt động tuyên truyền cụ thể. Công tác phối hợp giữa Hội ND với ngành Y tế, Chương trình chống lao diễn ra thường xuyên và liên tục. Qua đó, giúp mang lại những hiệu quả thiết thực trong công tác phòng chống lao, nhất là ở cấp cơ sở.

 

Để đa dạng hóa công tác truyền thông, các cấp Hội trong cả nước đã triển khai nhiều hoạt động cụ thể như: Tổ chức phát hành tài liệu truyền thông dưới dạng tờ rơi, áp phích, sách hướng dẫn đến tận tay cán bộ, hội viên, nông dân; phối hợp tuyên truyền trên các kênh thông tin đại chúng (VTV1, Báo Nông thôn ngày nay, Tạp chí Nông thôn mới, Cổng Thông tin điện tử của Trung ương Hội NDVN,  Website của các tỉnh, thành Hội…); tuyên truyền thường xuyên trên các bản tin “Tiếng nói nhà Nông”, chuyên mục “Diễn đàn Hội Nông dân các cấp”; tổ chức tuyên truyền qua hệ thống loa đài phát thanh của các xã, thôn, bản, qua các nền tảng mạng xã hội Zalo, Facebook…

 

Đáng chú ý, để đạt được mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030 như Chính phủ đã đề ra, các cấp Hội ND trong cả nước đã tích cực, chủ động tham gia công tác phát hiện và điều trị bệnh lao trong cộng đồng bằng nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả. Nhờ đó, qua các năm, số người mắc bệnh lao trong cộng đồng có xu hướng giảm dần, số bệnh nhân lao được điều trị khỏi ngày một tăng.

 

Trên cơ sở đó, Hội ND các tỉnh, thành phố có mô hình đã phát huy tốt vai trò, hiệu quả hoạt động trong việc chăm sóc, sức khỏe của hội viên, nông dân nói chung cũng như công tác phòng chống lao nói riêng. Đồng thời, các hoạt động phòng chống lao của Hội NDVN về cơ bản đã được triển khai đúng theo kế hoạch, mục tiêu và tiến độ của dự án đề ra.

 

Năm 2024 cũng là năm đầu tiên thực hiện việc triển khai các hoạt động của dự án trong giai đoạn 2024 – 2026. Chính sự thay đổi về quy trình, thủ tục phê duyệt và thực hiện dự án giai đoạn mới đã gây ra một số khó khăn cho việc triển khai công tác phòng chống lao của Hội ND. Song, nhờ có sự phối hợp chặt chẽ giữa Hội ND và Chương trình chống lao các cấp, cùng với sự nỗ lực vào cuộc của cán bộ, hội viên, nông dân, Tổ chống lao các tỉnh, thành Hội nên công tác phòng chống lao của Hội NDVN đã thực hiện được một số nhiệm vụ đề ra theo đúng kế hoạch.

 

Theo đó, trong năm 2024, Ban quản lý Dự án- Trung ương Hội NDVN đã tập trung chỉ đạo việc chuẩn bị thành lập và đi vào hoạt động 70 mô hình “Tổ chống lao cộng đồng” trên địa bàn 70 huyện tại 14 tỉnh, thành phố, gồm: Tuyên Quang, Phú Thọ, Bắc Giang, Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, Ninh Bình, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam, Cần Thơ, An Giang.

 

Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo 206 mô hình “Nông dân phát hiện sớm người nghi mắc lao, tư vấn và hỗ trợ bệnh nhân lao điều trị theo DOTS” đã được thành lập trong giai đoạn 2011 - 2020 tự duy trì hoạt động bằng nguồn kinh phí Hội và của địa phương. Trong đó bao gồm cả 10 tỉnh, thành Hội đã kết thúc dự án như: Cao Bằng, Bắc Kạn, Sơn La, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Khánh Hòa, Tây Ninh, Long An, Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh.

 

Mặc dù không còn được cấp kinh phí, tuy nhiên các mô hình vẫn duy trì tần suất sinh hoạt hàng quý. Nội dung sinh hoạt xoay quanh chủ đề phòng chống lao trong nông dân, nông thôn được lồng ghép với các hoạt động công tác Hội nhằm đảm bảo tính bền vững của dự án.

 

Anh-tin-bai

Các cán bộ, hội viên, nông dân của các mô hình “Tổ chống lao cộng đồng” đã chủ động tổ chức nhiều hoạt động để tuyên truyền, tư vấn kiến thức về phòng chống lao cho người bệnh và gia đình

 

Bên cạnh đó, các cán bộ, hội viên, nông dân của các mô hình đã chủ động tổ chức nhiều hoạt động để tuyên truyền, tư vấn kiến thức về phòng chống lao cho người bệnh và gia đình. Đồng thời, công tác theo dõi, giám sát, quản lý điều trị được Hội ND các tỉnh, thành phố thực hiện thường xuyên và sát sao nhằm giúp người bệnh điều trị đúng phác đồ, không bỏ trị.

 

Trong đó, tập trung vào các nội dung chính như: Nhắc nhở, động viên người bệnh tuân thủ điều trị; vận động người bệnh tái khám xét nghiệm với những trường hợp không tái khám đúng hẹn; vận động người bệnh tiếp tục điều trị theo chỉ định của bác sỹ với những người bệnh có dấu hiệu bỏ trị hoặc đang bỏ trị; hỗ trợ gia đình các bệnh nhân về nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống giúp người bệnh yên tâm điều trị.

 

Đối với những đối tượng có tiếp xúc gần với bệnh nhân lao hoặc có các yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm lao, cán bộ Hội ND các cấp cũng tích cực tư vấn, khuyến khích tham gia khám sàng lọc lao tiềm ẩn; vận động người phát hiện nhiễm lao tiềm ẩn đăng ký điều trị. Thông qua việc duy trì hoạt động, các mô hình đã góp phần hỗ trợ Chương trình chống lao các tuyến phát hiện và điều trị khỏi cho thêm hàng trăm bệnh nhân lao.

 

Tính đến nay, dự án đã được triển khai sang đến năm thứ 14 nên cán bộ Hội ở các cấp đã có nhiều kinh nghiệm trong việc triển khai thực hiện các hoạt động, tổ chức giám sát, hướng dẫn chỉ đạo, tổ chức hoạt động. Các cấp Hội cũng tích cực thực hiện phòng chống lao lồng ghép với hoạt động công tác Hội, vận dụng linh hoạt các nguồn lực của tổ chức Hội trong việc hỗ trợ bệnh nhân lao nghèo ổn định cuộc sống, yên tâm điều trị.

 

Mô hình “Nông dân phòng chống lao” là mô hình rất phù hợp với đặc điểm của nông dân cũng như thế mạnh của tổ chức Hội ND các cấp. Những năm qua, các mô hình đã và đang phát huy tốt hiệu quả trong công tác phát hiện lao sớm, cắt đứt nguồn lây lao trong cộng đồng và huy động cả cộng đồng cùng chung tay ngăn chặn bệnh lao.

 

Có thể thấy, hoạt động truyền thông huy động cộng đồng được đánh giá là thế mạnh của các tổ chức chính trị - xã hội, cần được tăng cường và phát huy hơn nữa trong điều kiện người nông dân còn thiếu hiểu biết về bệnh lao. Qua đó, nhằm nâng cao nhận thức cho hội viên, nông dân về phòng chống lao, ngăn chặn tình trạng bỏ trị dẫn đến lao kháng thuốc, đồng thời giúp giảm dần và tiến tới xóa bỏ kỳ thị đối với người bệnh lao.

 

Cùng với đó, việc cập nhật thông tin về các ca bệnh, tình hình điều trị của bệnh nhân cũng cần phải có sự hỗ trợ của các cán bộ y tế. Thời gian tới, đề nghị Chương trình chống lao Quốc gia tiếp tục chỉ đạo các tuyến phối hợp chặt chẽ với Hội ND các cấp trong việc cung cấp thông tin bệnh nhân lao để đảm bảo việc triển khai thực hiện dự án đạt được những kết quả tốt nhất. Chỉ đạo Chương trình chống lao tuyến tỉnh, huyện, cơ sở hỗ trợ, phối hợp với các cấp Hội trong việc tổ chức khám chữa bệnh lưu động, triển khai chương trình xét nghiệm 2X; tăng cường vai trò của Hội ND trong việc tổ chức sàng lọc lưu động cộng đồng, vận động người dân tham gia, đặc biệt là khu vực nông thôn.

Ngọc Hà
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1