image banner
Gánh nặng của bệnh lao tại Việt Nam vẫn còn cao
Lượt xem: 136
(Cổng ĐT HND) – Hiện nay, bệnh lao vẫn là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ hai trên thế giới trong số các căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, chỉ sau Covid-19. Bệnh lao đã và đang là mối nguy của tất cả chúng ta - những người cùng chung sống trong một môi trường mà ở đó tỷ lệ người mắc bệnh lao còn đang rất cao.  

 

 

Anh-tin-bai

 

Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, nhiều người mắc bệnh lao trong cộng đồng còn chưa được phát hiện, tiếp tục là nguy cơ trở thành nguồn lây bệnh trong cộng đồng

 

Thông qua những con số được thống kê cho thấy, Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao. Theo báo cáo năm 2023 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam đang xếp thứ 11 trong số 30 nước có số người bệnh lao cao nhất trên toàn cầu; đồng thời, đứng thứ 11/30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới.

 

Hàng năm, số người tử vong do bệnh lao ở nước ta vẫn còn cao, vào khoảng 13.000 người, con số này đang cao gấp 2 lần số người tử vong do tai nạn giao thông. Bên cạnh đó, nhiều người mắc bệnh lao trong cộng đồng còn chưa được phát hiện, tiếp tục là nguy cơ trở thành nguồn lây bệnh trong cộng đồng.

 

Trong đó, lao đa kháng thuốc ước tính vào khoảng 9.200 ca, chiếm tỷ lệ 4,5% trong nhóm bệnh nhân lao mới và 15% trong nhóm đã từng điều trị. Lao đồng nhiễm HIV ước tính khoảng 4.300 ca, chiếm 2,5% trong số bệnh nhân lao được phát hiện.

 

Đáng chú ý, hiện bình quân mỗi năm, cả nước ta phát hiện mới và đưa vào điều trị khoảng hơn 100.000 người mắc lao. Tuy nhiên, con số bệnh nhân được phát hiện và báo cáo mới chỉ đạt tầm gần 60%. Như vậy, sẽ có tới 40% bệnh nhân lao nằm trong cộng đồng chưa được phát hiện và điều trị.

 

Điều đáng nói, hiện nay các mục tiêu toàn cầu trong công tác chống lao vẫn còn đang bị chậm tiến độ. Đặc biệt là trong 2 năm diễn ra đại dịch Covid-19, đối với công tác phòng chống lao tại Việt Nam cũng chịu những ảnh hưởng nghiêm trọng.

 

Cụ thể, năm 2023, cả nước đã phát hiện được 106.086 trường hợp mắc lao các thể (tăng so với cùng kỳ năm 2021 là 34,4% và năm 2022 là 2,2%); phát hiện 3.775 bệnh nhân lao kháng đa thuốc (cao hơn các năm 2021 khoảng 45,8% năm 2022 là 9,5%). Có trên 90% người bệnh ở khu vực nông thôn, 70% người mắc lao đang ở trong độ tuổi lao động.

 

Bên cạnh đó, nếu như đem so sánh giữa các vùng miền trong cả nước thì hiện nay, dịch tễ lao tại khu vực miền Nam đang diễn ra nặng nề hơn rất nhiều. Tại một số tỉnh, thành phố thuộc khu vực miền Tây Nam bđang có tỷ lệ số ca mắc lao được phát hiện tính trên dân số còn khá cao. Ví dụ như tỉnh An Giang phát hiện 5.467 ca bệnh, tỷ lệ 270/100.000 dân; thành phố Cần Thơ phát hiện 2.713 ca bệnh, tỷ lệ 218/100.000 dân (số liệu năm 2023). Thậm chí, trong một số khu vực, nhóm nguy cơ cao có tỷ lệ mắc bệnh lao đang rất cao, tỷ lệ khoảng 400 - 500/100.000 dân.

 

Thành phố Hồ Chí Minh là nơi có gánh nặng bệnh lao cao nhất trên cả nước. Theo số liệu thống kê được công bố của Chương trình Chống lao, năm 2022 số ca lao mới các thể của cả nước ta vào khoảng 169.000 trường hợp (chiếm tỷ lệ 173/100.000 dân); trong khi đó, của thành phố Hồ Chí Minh là 19.628 ca bệnh (tỷ lệ 227 trường hợp/100.000 dân). Số tử vong do lao tại thành phố Hồ Chí Minh trong năm 2022 được ghi nhận 297 trường hợp.

 

Trong thời gian qua, Chương trình chống Lao của Việt Nam nói chung và của thành phố Hồ Chí Minh nói riêng đã có nhiều thành tựu đáng khích lệ. Chương trình cũng đang dần hồi phục sau thời gian chịu sự gián đoạn do đại dịch Covid-19. Năm 2023, Chương trình chống Lao đã thực hiện thử đàm cho hơn 196.000 người, thu nhận điều trị bệnh lao các thể đối với 20.000 ca bệnh trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

 

Tỷ lệ điều trị thành công của bệnh nhân lao được duy trì ở mức cao, trên 90% với bệnh nhân lao mới. Ngoài ra, tỷ lệ khỏi bệnh chiếm khoảng 70% với bệnh nhân lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ dài hạn và 80% với bệnh nhân lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ ngắn hạn...

 

Anh-tin-bai

 

Nếu như trước đây, bệnh lao chủ yếu xảy ra ở những bệnh nhân lớn tuổi, song hiện nay, đối tượng mắc bệnh lại đang ngày càng trẻ hóa, đặc biệt là ở đối tượng học sinh, sinh viên

 

Nếu như trước đây, bệnh lao chủ yếu xảy ra ở những bệnh nhân lớn tuổi, song hiện nay, đối tượng mắc bệnh lại đang ngày càng trẻ hóa, đặc biệt là ở đối tượng học sinh, sinh viên. Đối với những người trẻ, có sức khỏe và sức đề kháng tốt nên thường sẽ bỏ qua những triệu chứng ban đầu của bệnh.

 

Tuy nhiên, không ai bị mắc lao mà tử vong ngay. Do bệnh lao là căn bệnh tiến triển âm thầm và thường được phát hiện ra muộn. Từ khi phát bệnh đến khi tử vong thì đã lây lan sang rất nhiều người khác. Bệnh nhân tử vong chủ yếu là do chưa được phát hiện và điều trị bệnh kịp thời.

 

Mỗi người bệnh lao sẽ mất trung bình từ 3- 4 tháng lao động. Đồng thời, bệnh nhân lao và gia đình cũng phải đối mặt với các chi phí tốn kém trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh lao; ước tính sẽ vượt quá 20% thu nhập hàng năm của cả hộ gia đình. Điều này cũng làm cho tình trạng nghèo đói của người dân diễn ra thêm dai dẳng.

 

Hiện nay, bệnh lao vẫn là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong các bệnh truyền nhiễm. Nó còn đáng sợ hơn khi dễ dàng lây lan ra cộng đồng nếu như các bệnh nhân không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Vì vậy, việc phát hiện sớm, chủ động truy vết không những giúp cứu sống người bệnh mà còn giảm nhanh nguồn lây lan cho cộng đồng, giảm nhanh dịch tễ bệnh lao và giảm gánh nặng tác hại của bệnh lao gây ra cho gia đình và xã hội.

Hà Dũng
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1