image banner
Hội ND Phú Thọ: Triển khai nhiều hoạt động thiết thực trong phòng, chống bệnh lao
Lượt xem: 67
(Cổng ĐT HND) – Lao là căn bệnh nguy hiểm, với mức độ lây lan cao, làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của cả cộng đồng cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung của tỉnh. Thời gian qua, cùng với các địa phương trong cả nước, tỉnh Phú Thọ đã không ngừng nỗ lực triển khai các giải pháp nhằm khống chế và tiến tới đẩy lùi bệnh lao.  

 

Anh-tin-bai

Những tài liệu truyền thông rất có ý nghĩa đối với việc giúp nâng cao nhận thức của hội viên, nông dân và của người bệnh trong công tác phòng chống lao

 

Đến nay, mạng lưới chống lao trên địa bàn tỉnh được củng cố ở cả ba tuyến. Công tác phòng chống bệnh lao trong tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong công cuộc đẩy lùi tiến tới thanh toán bệnh lao, việc phát hiện sớm, điều trị kịp thời và đúng phác đồ đóng vai trò là yếu tố then chốt.

 

Những năm qua, công tác phòng, chống lao của tỉnh thường xuyên được các cấp, các ngành quan tâm, chỉ đạo, tuyến bệnh viện đã duy trì tốt công tác quản lý, điều trị, chăm sóc bệnh nhân tại cộng đồng, tại 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh. Đồng thời, đảm bảo công tác cấp phát thuốc hàng tháng, duy trì thực hiện công tác tuyên truyền phòng, chống lao, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, bệnh hen phế quản tại cộng đồng.

 

Tuy nhiên, hoạt động điều trị, quản lý bệnh nhân lao kháng thuốc mới được triển khai tại tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Theo đó, tình hình bệnh nhân lao kháng thuốc có chiều hướng diễn biến phức tạp, một số bệnh nhân còn chưa tuân thủ điều trị làm ảnh hưởng đến kết quả điều trị nói chung… 

 

Trước thực trạng trên, Hội Nông dân các cấp cùng với các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh đã tích cực, chủ động phối hợp với ngành y tế trong công tác tuyên truyền, phổ biến về bệnh lao; đẩy mạnh công tác hướng dẫn hội viên, đoàn viên khi có biểu hiện mắc bệnh lao cần chủ động đến các cơ sở y tế để thăm khám. Công tác truyền thông được tăng cường thường xuyên đã góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết của hội viên, nông dân trong tỉnh về bệnh lao. Trong đó, vai trò của Hội ND các cấp đối với công tác phòng chống lao của tỉnh đã và đang ngày càng phát triển sâu rộng.

 

Căn cứ hướng dẫn và kế hoạch hoạt động năm 2023 của Ban Quản lý Dự án phòng chống lao - Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Tổ chống lao Hội Nông dân tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp với Bệnh viện Phổi tỉnh, trung tâm y tế các huyện, thành phố triển khai các hoạt động theo kế hoạch. Hội Nông dân tỉnh hướng dẫn Hội Nông dân các huyện, thành phố tích cực phối hợp với ngành y tế tổ chức tuyên truyền về công tác phòng, chống lao cho hội viên, nông dân. Chỉ đạo 03 đơn vị Hội Nông dân cấp huyện gồm các huyện: Lâm Thao, Thanh Ba, thành phố Việt Trì triển khai thực hiện các nội dung trong chương trình phòng, chống lao, đảm bảo tiến độ dự án đề ra.

 

Hưởng ứng ngày thế giới phòng chống lao 24/3, thực hiện theo đúng chỉ đạo của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Hội Nông dân tỉnh đã triển khai văn bản chỉ đạo trong toàn hệ thống Hội. Cụ thể, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã tiến hành treo 32 băng-rôn, phối hợp với các ngành chức năng ở địa phương treo 156 băng-rôn, 458 pa- nô tại trụ sở các xã, phường, thị trấn; tuyên truyền về công tác phòng, chống lao trong hơn 3.000 cuốn Thông tin công tác Hội và được phát hành đến trên 2.200 chi Hội toàn tỉnh; tăng cường tuyên truyền 184 tin, bài trên trang thông tin điện tử Hội Nông dân tỉnh, Fanpage “Nông dân đất Tổ”, Zalo, các trang thông tin của Hội Nông dân các huyện và cơ sở.

 

Trong năm, Hội Nông dân các cấp đã chủ động, tích cực, phối hợp với các ngành chức năng, đặc biệt là ngành y tế thực hiện tốt công tác tuyên truyền phòng chống lao cho hội viên, nông dân trên địa bàn. Tổ chức lồng ghép các nội dung cần thiết vào cùng với những hoạt động phong phú do các cấp Hội tiến hành như: Sinh hoạt chi Hội, tổ chức hội thi… Phối hợp với đài truyền thanh tổ chức viết tin, bài và tuyên truyền được 415 buổi trên hệ thống loa truyền thanh, các nội dung tuyên truyền tập trung về bệnh lao, cách phòng chống bệnh lao, không kỳ thị người bệnh lao.

 

Anh-tin-bai

Hội Nông dân các cấp đã chủ động, tích cực, phối hợp với các ngành chức năng, đặc biệt là ngành y tế thực hiện tốt công tác tuyên truyền phòng chống lao cho hội viên, nông dân trên địa bàn

 

Những tài liệu truyền thông rất có ý nghĩa đối với việc giúp nâng cao nhận thức của hội viên, nông dân và của người bệnh trong công tác phòng chống lao. Được sự quan tâm của Dự án Quỹ toàn cầu phòng chống lao - Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã cho biên soạn tờ rơi, sách hướng dẫn hoạt động phòng chống lao, Tổ chống lao Hội Nông dân tỉnh đã chuyển tới các huyện, thành phố 300 cuốn và 500 poster, 250 tờ gấp để tuyên truyền cho hội viên, nông dân trong các buổi sinh hoạt cũng như chủ động tuyên truyền trên các hệ thống loa truyền thanh ở cấp cơ sở.

 

Năm 2023, thực hiện chương trình phòng chống lao, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã tích cực, chủ động tuyên truyền nâng cao nhận thức của hội viên, nông dân nói riêng cũng như nhân dân của tỉnh nói riêng về công tác phòng, chống lao. Qua đó, giúp người dân nâng cao hiểu biết và giảm dần tình trạng kỳ thị bệnh nhân lao, đồng thời tâm lý mặc cảm của bệnh nhân đã không còn nặng nề như trước đây.

 

Kết quả, các cấp Hội phối hợp với ngành y tế phát hiện 05 trường hợp mắc lao mới; tổ chức tư vấn các thông tin, kiến thức về phòng chống lao cho 2.912 người; vận động 1.015 người nghi mắc lao đi khám. Bên cạnh đó, các cấp Hội đã tổ chức đi thăm 1.420 lượt bệnh nhân và người nghi mắc lao; có 58 bệnh nhân được cán bộ Hội, hội viên, nông dân theo dõi hỗ trợ điều trị; toàn tỉnh không có bệnh nhân nào bỏ điều trị; đã điều trị thành công cho 20 bệnh nhân.

 

Bà Nguyễn Thị Thu Hà ở tại khu 7, xã Trưng Vương, thành phố Việt Trì là bệnh nhân mắc lao hạch và lao màng phổi, ngoài ra bà còn mắc thêm bệnh tiểu đường nên sức khỏe yếu. Gia đình bà thuộc diện hộ nghèo ở địa phương, có hoàn cảnh rất khó khăn. Được sự quan tâm của Hội Nông dân các cấp, cấp ủy chính quyền địa phương, ngành y tế, ủy ban MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội ở địa phương, khu dân cư đã quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ gia đình bà.

 

Nhờ đó, bà đã được Trung tâm y tế thành phố, trạm y tế xã Trưng Vương thường xuyên theo dõi, tư vấn các kiến thức về phòng, chống lao, giám sát quá trình điều trị của bệnh nhân; đồng thời, bà còn được Hội Nông dân thành phố Việt Trì, xã Trưng Vương thường xuyên thăm hỏi động viên, hỗ trợ. Đặc biệt hơn, được sự quan tâm của các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc, cán bộ, hội viên, nông dân và nhân dân khu 7, xã Trưng Vương gia đình bà đã được hỗ trợ 60 triệu đồng để xây dựng lại ngôi nhà, giúp bà yên tâm điều trị khỏi để vượt qua bệnh tật.

 

Tổ chống lao HND tỉnh chỉ đạo HND các huyện, thành, thị phối hợp với ngành y tế địa phương, thường xuyên phối hợp nắm bắt tình hình người bệnh trên địa bàn, người bệnh điều trị tại các cơ sở y tế trung ương và địa phương. Chủ động phối hợp với ngành y tế thăm hỏi, động viên, tư vấn trong điều trị.

 

Trong giai đoạn 2011 - 2020, được sự quan tâm của Ban Quản lý Dự án phòng chống lao - Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Tổ chống lao Hội Nông dân tỉnh đã triển khai 15 mô hình “Chi Hội Nông dân phát hiện sớm người nghi mắc lao; vận động nông dân nghi mắc lao đi khám và điều trị lao theo DOTS”. Đến nay, trong toàn tỉnh có 01 đơn vị giải thể, còn lại 14 mô hình đang duy trì hoạt động.

 

Mặc dù chương trình phòng, chống lao đã không tiếp tục duy trì hoạt động của các mô hình nữa, tuy nhiên, Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo Hội Nông dân các cấp trong tỉnh tiếp tục duy trì sinh hoạt, tuyên truyền phòng, chống lao gắn với sinh hoạt chi Hội định kỳ 03 tháng/lần, với 700 thành viên tham gia sinh hoạt.

 

Hàng năm, Hội Nông dân cấp xã phối hợp với ngành y tế tổ chức tuyên truyền phòng chống lao, tầm soát cho trên 1.200 đối tượng nghi ngờ mắc lao và vận động đi khám, đã phát hiện từ 11 - 15 trường hợp mắc lao mới. Hội Nông dân phối hợp ngành y tế tổ chức khám sáng lọc cho trên 2.000 lượt hội viên, nông dân, cấp phát các loại thuốc bổ...

 

Cũng từ các hoạt động tích cực, sự tham gia chủ động của Hội Nông dân các cấp trong tỉnh bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, qua các mô hình phòng chống lao đã được cấp ủy đảng, chính quyền, ngành y tế ghi nhận sự đóng góp hiệu quả của tổ chức Hội Nông dân các cấp trong công tác bảo vệ sức khỏe nhân dân trên địa bàn.

 

Để đảm bảo hiệu quả công tác tuyên truyền nhằm nâng cao kiến thức cho cán bộ, hội viên, nông dân trên địa bàn, Tổ chống lao Hội Nông dân tỉnh đã chủ động và xây dựng mối quan hệ phối hợp chặt chẽ với Bệnh viện Phổi tỉnh, Trung tâm y tế các huyện Lâm Thao và Thanh Ba, thành phố Việt Trì. Từ đó, đã nhận được sự đồng tình, cam kết trách nhiệm cao hỗ trợ về chuyên môn để đảm bảo thực hiện các mục tiêu của dự án đề ra. Cùng với đó, các cấp ủy đảng, chính quyền, trạm y tế và các ngành trên địa bàn triển khai dự án luôn có sự ủng hộ, thống nhất cao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Nhờ đó, tạo nhiều điều kiện thuận lợi để triển khai thực hiện dự án đạt hiệu quả, đồng thời, nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, hội viên, nông dân và nhân dân trên trên địa bàn về công tác phòng chống lao, đảm bảo sức khoẻ cho người dân.

Minh Thùy
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1