Quảng Bình: Tích cực nâng cao chất lượng các hoạt động phòng, chống bệnh lao
(Cổng ĐT HND) - Quảng Bình là một trong những địa phương có tỷ lệ người dân mắc bệnh lao cao trong cả nước. Nguyên nhân chủ yếu do nhận thức của người dân về bệnh lao vẫn còn nhiều hạn chế; người dân vẫn còn kỳ thị, xa lánh người mắc bệnh. Bên cạnh đó, người bệnh có tâm lý tự ti, dấu bệnh, thậm chí có người chưa tuân thủ phác đồ điều trị, bỏ trị giữa chừng còn là nguyên nhân dẫn đến tình trạng lao kháng thuốc.
Các cấp Hội Nông dân trong tỉnh luôn xác định rõ vai trò, trách nhiệm của Hội trong công tác tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tham gia công tác phòng, chống bệnh lao gắn với phòng chống dịch bệnh Covid -19
Trong những năm qua, thực hiện chương trình chống lao quốc gia, dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương, sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, Hội Nông dân tỉnh đã cùng các cấp, các ngành trong tỉnh thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp để triển khai công tác phòng, chống lao có hiệu quả. Từ đó, góp phần làm giảm các tiêu chí về bệnh lao; tỷ lệ bệnh nhân bỏ trị đã giảm dần, tỷ lệ điều trị điều trị thành công đạt từ 95 - trên 97%.
Các cấp Hội Nông dân trong tỉnh luôn xác định rõ vai trò, trách nhiệm của Hội trong công tác tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tham gia công tác phòng, chống bệnh lao gắn với phòng chống dịch bệnh Covid -19. Phối hợp với ngành y tế tổ chức các lớp tập huấn; tuyên truyền, truyền thông thông qua các buổi sinh hoạt chi, tổ Hội, sinh hoạt câu lạc bộ, mô hình “Nông dân phát hiện lao sớm”, nâng cao kỹ năng, kiến thức cho cán bộ, hội viên, nông dân về phòng, chống bệnh lao; vận động hội viên, nông dân hướng ứng Ngày thế giới phòng chống Lao 24/3…
Ban Quản lý các mô hình đã chỉ đạo cấp cơ sở tập trung tổ chức tốt công tác tuyên truyền về phòng, chống bệnh lao cho cán bộ, hội viên, nông dân với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Năm 2023, các cấp Hội đã phối hợp tổ chức truyền thông cho trên 11.200 lượt người; cấp phát trên 9.300 tờ rơi; phát sóng trên 1.200 lượt tin, bài trên hệ thống loa truyền thanh; đăng tải 7 tin, bài trên website Hội Nông dân tỉnh; tổ chức tuyên truyền trong sinh hoạt cho trên 128.900 lượt hội viên, nông dân.
Đồng thời, chủ động lồng nghép tuyên truyền trong trong các buổi sinh hoạt chi, tổ Hội cho trên 21.500 lượt hội viên, nông dân tham dự. Đã trực tiếp vận động được 513 người nghi mắc lao đến Trung tâm y tế để làm xét nghiệm.
Hàng năm, các cấp Hội tích cực nắm bắt tình hình, nhất là trong các gia đình hội viên, nông dân để tuyên truyền, vận động người có triệu chứng nghi mắc lao chủ động đến các cơ sở y tế khám và xét nghiệm, nếu mắc bệnh lao thì tuân thủ điều trị theo DOTS. Hội còn phối hợp với ngành y tế thường xuyên nắm bắt thông tin về số lượng, tình hình bệnh lao trên địa bàn để tổ chức giám sát, theo dõi, tư vấn, hỗ trợ bệnh nhân lao điều trị theo đúng phác đồ.
Tổ phòng chống lao- Hội Nông dân tỉnh đã triển khai các hoạt động theo kế hoạch; giao chỉ tiêu thăm hỏi bệnh nhân cho Ban Quản lý các mô hình nhằm hỗ trợ bệnh nhân lao, lao kháng thuốc. Đặc biệt, tiến hành theo dõi sự tuân thủ điều trị của bệnh nhân lao ở những điểm có tỷ lệ bỏ trị cao của địa bàn thuộc 05 huyện, thị xã trong tỉnh.
Các cấp Hội ở cơ sở tập trung tổ chức tốt công tác tuyên truyền về phòng, chống bệnh lao cho cán bộ, hội viên, nông dân với nhiều hình thức phong phú, đa dạng
Ban Quản lý các mô hình đã phối hợp chặt chẽ với Trung tâm y tế của các huyện, thành phố, thị xã nắm bắt thông tin về tình hình bệnh nhân, cung cấp thông tin 233 bệnh nhân cho các cơ sở Hội để tổ chức 1.038 lượt thăm hỏi, tư vấn, hỗ trợ, theo dõi bệnh nhân điều trị. Ngoài ra, đã vận động 01 bệnh nhân lao bỏ trị quay lại điều trị; số bệnh nhân lao kháng thuốc trên địa bàn có 02 bệnh nhân, đều đã được thu nhận điều trị.
Cụ thể, các đơn vị ở Hội Nông dân các huyện Quảng Ninh và Bố Trạch đã kết hợp việc thăm hỏi và giám sát hoạt động Chương trình M-Health - hỗ trợ điều trị bệnh lao đối với 72 bệnh nhân lao đang điều trị. Trong đó có 63 bệnh nhân có điện thoại, 9 bệnh nhân không có điện thoại hoặc không đọc được tin nhắn trên điện thoại. Trong suốt thời gian tiến hành điều trị, bình quân mỗi bệnh đã nhận được 05 tin nhắn/tuần, nội dung tin nhắn để nhắc nhở về việc uống thuốc đúng giờ, thực hiện tái khám theo đúng quy định…
Trong giai đoạn từ năm 2011 - 2020, toàn tỉnh đã hướng dẫn thành lập 14 mô hình “Nông dân phát hiện lao sớm” và đi vào hoạt động ổn định. Tuy nhiên, sau khi không còn nhận được sự hỗ trợ từ Dự án phòng chống lao, các mô hình “Nông dân phát hiện lao sớm” vẫn tự duy trì hoạt động, lồng ghép với các hoạt động công tác Hội. Theo đó, triển khai thực hiện các nội dung tuyên truyền về phòng chống bệnh lao, tư vấn, vận động người nghi mắc lao đi khám để phát hiện sớm bệnh lao và điều trị lao theo DOTS… Tần suất duy trì sinh hoạt của các mô hình khoảng 6 tháng/lần. Chính nhờ các hoạt động của mô hình đã góp phần tích cực vào công tác phòng chống lao hiệu quả tại các địa phương.
Đáng chú ý, các cấp Hội còn tích cực lồng ghép thực hiện các hoạt động tư vấn, hỗ trợ hội viên, nông dân, gia đình các hội viên, nông dân có người mắc bệnh lao phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, có thêm điều kiện để chăm sóc sức khỏe… Các cấp Hội đã huy động từ nhiều nguồn lực trong xã hội để kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ bệnh nhân lao nghèo ổn định đời sống, yên tâm điều trị thành công.
Cụ thể, các cấp Hội đã tạo điều kiện giúp cho 49 hộ có bệnh nhân vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội và Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp để phát triển kinh tế, tổng dư nợ đạt 1.850 triệu đồng. Ngoài ra, các cơ sở Hội đã vận động hội viên, nông dân hỗ trợ, giúp đỡ các gia đình bệnh nhân về cây, con giống…
Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với Quỹ hỗ trợ phát triển cộng đồng bền vững tiến hành khảo sát và hỗ trợ 12 hộ dân tại địa bàn 3 xã của huyện Bố Trạch, gồm: Xã Liên Trạch, Phúc Trạch, thị trấn Phong Nha để hỗ trợ xây dựng nhà chống lũ trong năm 2023; trong đó có 01 hộ bệnh nhân lao.
Ngoài ra, Hội Nông dân tỉnh ký kết chương trình phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh tổ chức tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, nông dân tích cực tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình. Theo đó, các cấp Hội đã vận động 41.980 người đăng ký tham gia bảo hiểm y tế, có 5.645 người tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Trong năm, công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện theo đúng hướng dẫn và kế hoạch đã được phê duyệt. Tổ Phòng chống lao- Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với Hội Nông dân các huyện, thành phố, thị xã tổ chức 12 cuộc kiểm tra, giám sát đối với 12 cơ sở ở các mô hình hỗ trợ bệnh nhân lao, lao kháng thuốc. Đồng thời, thực hiện 02 cuộc giám sát ở 02 mô hình thực hiện Chương trình M-Health - hỗ trợ bệnh nhân lao điều trị. Ban Quản lý mô hình ở các huyện Quảng Ninh và Bố Trạch đã tổ chức 15 cuộc giám sát thực hiện tin nhắn hỗ trợ bệnh nhân điều trị và thăm hỏi bệnh nhân ở cơ sở.
Nhìn chung, đa số các cơ sở Hội đều tích cực triển khai các hoạt động phòng chống lao, tổ chức tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh của thôn, xã; tuyên truyền, truyền thông trong các buổi sinh hoạt chi, tổ Hội; phối hợp chặt chẽ với ngành y tế để nắm bắt thông tin về bệnh nhân lao để tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tư vấn, hỗ trợ, theo dõi điều trị; tăng cường các hoạt động lồng ghép của Hội để hỗ trợ, nâng cao hiệu quả công tác phòng chống lao.
Thời gian tới, các cấp Hội ở địa phương tiếp tục và tích cực thực hiện công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến kiến thức nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, hội viên, nông dân cũng như người dân trong cộng đồng về phòng chống bệnh lao; tăng cường các hoạt động tư vấn, vận động người nghi mắc lao, người có nguy cơ nhiễm lao cao (người nhà sống chung với bệnh nhân lao) đi khám để phát hiện sớm bệnh lao, nếu mắc bệnh thì điều trị theo DOTS; lồng ghép các hoạt động, các phong trào của Hội để tổ chức các hoạt động hỗ trợ về vật chất và tinh thần cho bệnh nhân nghèo để hỗ trợ, động viên bệnh nhân điều trị có kết quả tốt.