image banner
Hội Nông dân Việt Nam: Tích cực tuyên truyền, vận động trong công tác phòng, chống lao
Lượt xem: 70
(Cổng ĐT HND) – Những năm qua, được sự quan tâm, tạo mọi điều kiện của Bệnh viện Phổi Trung ương, Dự án Quỹ toàn cầu phòng chống lao Việt Nam, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (Hội NDVN) đã tập trung chỉ đạo các cấp Hội trong cả nước tích cực tham gia, tăng cường việc triển khai các hoạt động phòng, chống bệnh lao cho hội viên, nông dân.

 

Anh-tin-bai

Hội Nông dân các tỉnh, thành phố đã tích cực triển khai, đa dạng hóa công tác truyền thông về phòng chống lao dưới nhiều hình thức linh hoạt, phong phú

 

Bên cạnh đó, hàng năm, Ban quản lý Dự án- Trung ương Hội NDVN luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao việc triển khai các hoạt động của dự án. Mặt khác, còn có sự nỗ lực, quyết tâm của Tổ chống lao tại các tỉnh, thành Hội và sự vào cuộc quyết liệt của cán bộ, hội viên, nông dân đã giúp cho các hoạt động phòng chống lao của Hội NDVN về cơ bản được triển khai đúng theo kế hoạch, đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.

 

Cụ thể, năm 2023, Dự án Quỹ toàn cầu phòng chống lao của Trung ương Hội NDVN tiếp tục duy trì, đẩy mạnh hoạt động của 51 mô hình “Nông dân phòng chống lao” cấp huyện đang được triển khai tại 17 tỉnh, thành phố trong cả nước. Theo đó, các cán bộ, hội viên, nông dân của 51 mô hình đã tổ chức thực hiện 13.500 lượt thăm hỏi đối với các bệnh nhân lao đang điều trị tại nhà.

 

Thông qua đó, các cấp Hội đã tích cực tuyên truyền, tư vấn những kiến thức cần thiết về phòng chống lao cho người bệnh và gia đình; tiến hành việc theo dõi, giám sát quá trình điều trị, đảm bảo người bệnh không bỏ trị. Đồng thời, các cấp Hội còn tăng cường việc huy động các nguồn lực để hỗ trợ cho các bệnh nhân lao nghèo cả về vật chất lẫn tinh thần nhằm giúp người bệnh vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống và yên tâm điều trị.

 

Đối với những trường hợp bệnh nhân khó tiếp cận trực tiếp, nơi cư trú không ổn định, thường xuyên đi làm ăn xa... cán bộ các cấp Hội Nông dân cũng đã thực hiện linh hoạt biện pháp thăm hỏi, tư vấn, động viên thường xuyên qua điện thoại di động. Nhờ đó, nhìn chung, về tâm lý và tinh thần của các bệnh nhân đều rất ổn định, phấn khởi khi nhận được sự quan tâm theo dõi, hỗ trợ của cán bộ Hội trong suốt quá trình điều trị.

 

Năm 2024, Ban Thường vụ Trung ương Hội NDVN đã ban hành Công văn số 183 ngay từ đầu năm về việc hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống Lao (ngày 24/03) tại Việt Nam với chủ đề “Việt Nam có thể chấm dứt bệnh lao”. Theo đó, chỉ đạo Hội Nông dân 63 tỉnh, thành phố tổ chức các hoạt động cụ thể để hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống Lao.

 

Đồng thời, Trung ương Hội NDVN cũng đã yêu cầu Hội Nông dân các tỉnh, thành phố, các Ban, đơn vị trực thuộc Trung ương Hội NDVN tăng cường việc tổ chức truyền thông; tổ chức vận động, kêu gọi cán bộ, hội viên, nông dân các cấp tích cực nhắn tin ủng hộ tới Quỹ hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao – PASTB trong thời gian Cổng thông tin nhân đạo Quốc gia mở cổng nhắn tin ủng hộ Quỹ PASTB.

 

Cùng với đó, Trung ương Hội NDVN đã xây dựng và ban hành kế hoạch, hướng dẫn hoạt động phòng chống lao năm 2024. Ngoài ra, tập trung chỉ đạo Hội Nông dân các tỉnh, thành phố đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, vận động các cán bộ, hội viên, nông dân phòng chống lao kết hợp phòng chống tác hại thuốc lá và các bệnh về phổi khác…

 

Trên cơ sở những kế hoạch, hướng dẫn của Trung ương Hội NDVN, Ban Thường vụ Hội Nông dân các tỉnh, thành phố đã tích cực triển khai, đa dạng hóa công tác truyền thông về phòng chống lao dưới nhiều hình thức linh hoạt, phong phú. Trong đó, có thực hiện truyền thông hưởng ứng Tháng hành động Ngày Thế giới phòng chống lao 24/03.

 

Anh-tin-bai

Tăng cường tuyên truyền về phòng chống lao cho cán bộ, hội viên, nông dân bằg những tài liệu truyền thông dễ nhớ, dễ hiểu

 

Theo đó, Tổ chống lao các tỉnh, thành Hội đã chủ động triển khai nhiều hoạt động phong phú, đa dạng như: Phối hợp với ngành Y tế, bệnh viện Phổi tuyến tỉnh tổ chức nhiều lớp tập huấn, hội nghị tuyên truyền về phòng chống lao cho cán bộ, hội viên, nông dân từ các nguồn ngân sách địa phương; tổ chức mít tinh, diễu hành truyền thông về công tác phòng chống lao trên địa bàn tỉnh, thành phố; treo, dán băng- rôn, pa- nô, áp- phích trên các trục đường giao thông chính, các khu đông dân cư; tổ chức xe loa đi tuyên truyền lưu động xuống tận các thôn, bản; phát tờ rơi, sổ tay truyền thông về phòng chống lao cho người dân; viết và đưa tin, bài tuyên truyền về công tác phòng chống lao trên hệ thống website Hội Nông dân các tỉnh, thành phố...

 

Mặt khác, Hội Nông dân các tỉnh, thành phố cũng thường xuyên tuyên truyền, phổ biến những thông tin, kiến thức về lao tiềm ẩn đến người dân trên địa bàn; đặc biệt là với những đối tượng có tiếp xúc gần với bệnh nhân lao hoặc có các yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm lao. Đồng thời, cán bộ Hội cũng tích cực tư vấn, vận động người nhiễm lao tiềm ẩn tham gia điều trị; theo dõi, hỗ trợ giúp đỡ người bệnh tuân thủ và hoàn thành điều trị, ngăn ngừa các nguy cơ tiến triển từ nhiễm lao đến mắc lao, góp phần hạn chế nguồn lây lao trong cộng đồng.

 

Đáng chú ý, năm 2024 còn là năm đầu tiên triển khai thực hiện dự án giai đoạn 2024 - 2026. Do việc thay đổi về quy trình, thủ tục phê duyệt và thực hiện dự án giai đoạn mới đã gây ra những khó khăn không nhỏ cho việc triển khai công tác phòng chống lao của Hội Nông dân. Tuy nhiên, nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa Hội Nông dân và Chương trình chống lao các cấp, cùng với sự nỗ lực vào cuộc của cán bộ, hội viên, nông dân, Tổ chống lao Hội Nông dân các tỉnh, thành phố đã giúp cho công tác phòng chống lao của Hội NDVN triển khai được một số nhiệm vụ đề ra.

 

Nhằm triển khai thực hiện các mục tiêu hoạt động của Dự án phòng chống lao giai đoạn 2024 - 2026, Ban quản lý Dự án- Trung ương Hội NDVN đã tập trung chỉ đạo việc chuẩn bị thành lập và đi vào hoạt động 70 mô hình “Tổ chống lao cộng đồng” cấp huyện tại địa bàn 14 tỉnh, thành phố, gồm: Tuyên Quang, Phú Thọ, Bắc Giang, Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, Ninh Bình, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam, Cần Thơ, An Giang.

 

Song song với đó, Ban quản lý Dự án- Trung ương Hội NDVN cũng tiếp tục chỉ đạo việc duy trì hoạt động thường xuyên của các mô hình phòng chống lao đã được thành lập trong giai đoạn 2011 – 2023 tại 23 tỉnh, thành phố thuộc cả 3 miền Bắc - Trung - Nam (trong đó bao gồm cả một số tỉnh, thành Hội đã kết thúc dự án) tự duy trì hoạt động bằng nguồn kinh phí của Hội và của địa phương. Mặc dù không còn được cấp kinh phí, nhưng đến nay, các mô hình vẫn duy trì tần suất sinh hoạt theo quý. Nội dung sinh hoạt xoay quanh chủ đề phòng chống lao trong nông dân, nông thôn được lồng ghép cùng với các hoạt động công tác Hội giúp đảm bảo tính bền vững của dự án.

 

Có thể thấy, chính nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sát sao cùng sự quyết tâm triển khai thực hiện của Hội Nông dân các tỉnh, thành phố đã giúp các cấp Hội duy trì và phát huy hiệu quả, vai trò của mình trong công tác phòng chống lao. Bên cạnh việc phát hiện sớm người mắc lao, lao tiềm ẩn, giám sát điều trị đúng phác đồ, các cấp Hội cũng đã vận động xóa bỏ kỳ thị, nâng cao thu nhập để người bệnh yên tâm điều trị. Qua đó, giúp gia tăng số phát hiện cả về lao và lao tiềm ẩn trong cộng đồng.

 

Cùng với đó, hàng năm, tỷ lệ bệnh nhân lao bỏ trị giảm rõ rệt; tỷ lệ điều trị thành công được tăng lên so với cùng kỳ tại các điểm có triển khai mô hình Hội Nông dân hỗ trợ, giám sát quá trình điều trị của bệnh nhân. Các cấp Hội đã vận động hầu hết các thành viên trong những gia đình có bệnh nhân mắc lao và trẻ em dưới 5 tuổi đến các cơ sở y tế để khám, tư vấn và điều trị dự phòng lao tiềm ẩn. Toàn bộ bệnh nhân lao và lao kháng thuốc tại các mô hình của Hội Nông dân đều được hỗ trợ từ kiến thức, tinh thần, sinh kế… giúp người bệnh củng cố thêm niềm tin, yên tâm điều trị thành công.

Hà Nhiên
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1