(Cổng ĐT HND) – Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong năm 2023 đã có khoảng 8,2 triệu người mới được chẩn đoán mắc bệnh lao; có 1,25 triệu người qua đời trên toàn cầu do lao.
Tại Việt Nam, theo báo cáo năm 2023 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nước ta vẫn đang đứng thứ 11 trong số 30 nước có số người bệnh lao cao nhất trên toàn cầu và xếp thứ 11/30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới
Số ca nhiễm tăng cao đã khiến lao trở thành bệnh truyền nhiễm chết chóc nhất trong năm 2023, vượt qua cả dịch bệnh Covid-19. Nguy hiểm hơn, do người bị mắc bệnh lao có thể mất nhiều năm mới gây ra tử vong nên các nhà khoa học hiện cũng chưa thể ước tính những tác động thực sự của mầm bệnh. Thậm chí, WHO cho rằng con số mắc bệnh thực tế có thể còn lên tới 10,8 triệu người.
Nhân ngày thế giới phòng chống lao 24/3, chủ đề được WHO đưa ra trong năm 2024 là “YES! WE CAN END TB” (Đúng! Chúng ta có thể chấm dứt bệnh lao). Thông điệp của Ngày thế giới phòng chống lao tiếp tục nhấn mạnh về việc huy động sức mạnh tổng thể, thu hút sự quan tâm, tập trung mọi nguồn lực, sự chung tay của cả cộng đồng nhằm đẩy mạnh cuộc chiến chống bệnh lao.
Chính sự cấp bách và cần thiết của việc đẩy mạnh đầu tư, mở rộng quy mô, tăng tốc độ thực hiện nhiều hơn vào việc chẩn đoán, điều trị dự phòng và chăm sóc bệnh lao sẽ giúp cứu sống thêm hàng triệu người. Cùng với đó, nếu như các quốc gia tuân thủ các cam kết của mình, điều này sẽ đưa thế giới tiến đến mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030; đồng thời, cứu sống cho 45 triệu người trong khoảng thời gian từ năm 2023 - 2027.
Tại Việt Nam, theo báo cáo năm 2023 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nước ta vẫn đang đứng thứ 11 trong số 30 nước có số người bệnh lao cao nhất trên toàn cầu và xếp thứ 11/30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới. Thông qua những con số được thống kê cho thấy, Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao.
Trên cơ sở chủ đề Ngày Thế giới phòng, chống lao của WHO đưa ra, chủ đề của Việt Nam trong năm 2024 là “Đúng! Việt Nam có thể chấm dứt bệnh lao”.
Chủ đề này như một lời “hồi đáp”, nhằm hưởng ứng mạnh mẽ chủ đề chung của thế giới, khẳng định những nỗ lực và quyết tâm của Việt Nam trong phòng, chống lao. Đồng thời, tiếp tục khẳng định mục tiêu chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam là hoàn toàn có thể.
Đến nay, tình trạng bệnh lao và lao kháng thuốc đang từng bước được kiểm soát; nhiều sáng kiến, kỹ thuật mới trong công tác phòng, chống bệnh lao đang được áp dụng tại Việt Nam
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm đến công tác phòng, chống bệnh lao. Hệ thống phòng, chống lao đã xây dựng và hoạt động từ Trung ương tới địa phương. Tình trạng bệnh lao và lao kháng thuốc đang từng bước được kiểm soát. Nhiều sáng kiến, kỹ thuật mới trong công tác phòng, chống bệnh lao đang được áp dụng.
Ngày 25/3/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện số 25/CĐ-TTg về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh lao. Công điện nêu rõ: Tình hình bệnh lao tại Việt Nam còn rất nặng nề, xếp thứ 11 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao và lao kháng thuốc cao nhất thế giới. Công tác phòng, chống lao chưa được quan tâm đúng mức, chưa được đầu tư đồng bộ, toàn diện; hệ thống triển khai hoạt động phòng, chống lao còn hạn chế tại hệ thống y tế cơ sở chưa đồng đều và hiệu quả chưa cao; người dân còn kỳ thị, mặc cảm, chưa quan tâm đúng mức đến sức khỏe của bản thân, vẫn còn tình trạng giấu bệnh...
Để hoạt động phòng chống bệnh lao đạt hiệu quả, hướng tới mục tiêu chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam, chúng ta cần tăng cường và đẩy mạnh công tác phát hiện bệnh nhân lao cũng như hỗ trợ người bệnh cho tới khi được điều trị thành công.
Được biết, đến nay, trên thế giới đang có 16 loại vaccine lao đã được nghiên cứu về các thử nghiệm lâm sàng. Trong đó, vaccine M72 là nghiên cứu với ít nhất một lần tiêm đã đạt qua được mức khuyến cáo của WHO với độ bảo vệ khoảng 50%. Việt Nam là một trong số bảy quốc gia được lựa chọn để triển khai nghiên cứu loại vaccine này.
Bên cạnh đó, để phát hiện bệnh lao, xét nghiệm Xpert MTB/RIF là xét nghiệm sinh học phân tử chẩn đoán lao và lao đa kháng đã được WHO khuyến cáo sử dụng kể từ tháng 12/2010. Tính đến nay, trên thế giới đã có khoảng 140 quốc gia và vùng lãnh thổ thực hiện xét nghiệm này.
Tại Việt Nam, xét nghiệm Xpert MTB/RIF đã được Chương trình Chống lao Quốc gia triển khai từ năm 2011 tại Labo lao chuẩn Quốc gia. Cho đến nay, Việt Nam đã và đang lắp đặt đưa vào sử dụng, quản lý 332 máy GeneXpert tại 182 điểm máy được triển khai trên toàn quốc.
Kết quả, số lượng xét nghiệm trong toàn quốc tăng dần theo từng năm. Cụ thể: Trong năm 2023, đã thực hiện 452.279 xét nghiệm trên cả nước, tăng hơn 113% so với thời điểm năm 2022.
Năm 2023, Chương trình Chống lao cũng đã chuyển thành công việc thanh toán thuốc lao từ nguồn ngân sách nhà nước sang nguồn quỹ Bảo hiểm y tế. Cùng với đó, vận động sự hỗ trợ của Bộ Y tế để áp dụng các chính sách hỗ trợ người dân thanh toán các dịch vụ khác về khám chữa bệnh lao qua nguồn quỹ Bảo hiểm y tế một cách thuận tiện và hiệu quả.
Đặc biệt, Chương trình Chống lao Quốc gia bước đầu đạt được những thành tựu tích cực trong việc áp dụng trí tuệ nhân tạo AI trong công tác chẩn đoán bệnh lao năm 2023. Với việc áp dụng trí tuệ nhân tạo AI đã mang lại ý nghĩa rất lớn cho hoạt động phát hiện bệnh lao, đặc biệt là đối với các trường hợp lao dễ bị bỏ sót hoặc khó tiếp cận.
Đáng chú ý, năm 2024 là năm bản lề quan trọng của Chương trình Chống lao quốc gia, đánh dấu 10 năm triển khai Chiến lược quốc gia phòng, chống lao đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Đây cũng là năm đầu tiên triển khai Dự án Quỹ toàn cầu phòng, chống lao giai đoạn 2024 - 2026 với những can thiệp/hoạt động toàn diện và đồng bộ nhằm phát hiện và điều trị nhiều nhất số ca lao mắc mới trong cộng đồng. Từ đó, góp phần đạt được mục tiêu chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam như đã cam kết với quốc tế và chính phủ.
Để chấm dứt được bệnh lao vào năm 2035, Việt Nam cần áp dụng tối ưu những công cụ sẵn có trong chẩn đoán và điều trị lao kết hợp với bao phủ y tế toàn dân cũng như các chính sách bảo trợ xã hội. Đồng thời, nhanh chóng mở rộng việc áp dụng những công cụ chẩn đoán mới, thuốc mới, vắc-xin mới, các tiếp cận can thiệp mới… nhằm phát hiện và điều trị sớm để cắt đứt nguồn lây bệnh lao.